Chính phủ dự kiến tăng trưởng tốt, chuyên gia cảnh báo kịch bản xấu cho nền kinh tế năm 2023

Chính quyền Cộng sản Việt Nam đang rất hân hoan về mức tăng trưởng kinh tế hơn 8% vào năm 2022 và thặng dư thương mại gần 11 tỷ đồng. Họ tự hào rằng, kinh tế Việt Nam năm 2022 vượt trội hơn hẳn so với các quốc gia trong khu vực. Đó là nhờ vào sự phục hồi chi tiêu của người tiêu dùng, vào xuất khẩu tăng mạnh và du lịch quốc tế dần trở lại, sau đại dịch Covid.

Nhưng thực trạng hơn 40.000 người lao động thất nghiệp, hàng trăm ngàn người bị giảm việc làm trước Tết 2023, đang là một vấn đề nan giải đặt ra cho cả người dân và chính quyền. Thực tế luôn không đẹp như giấc mơ.

Bài báo về cảnh báo của IMF trên BBC

Ngày 2/1/2022, người đứng đầu Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF đã đưa ra cảnh báo về tình trạng khó khăn hơn cho nền kinh tế thế giới vào năm 2023. Trong năm 2022, cả Mỹ, EU và Trung Quốc đều tăng trưởng chậm lại. Hiện nay, dịch Covid đang lây lan tại Trung Quốc tạo thêm gánh nặng kinh tế cho toàn cầu. Vì vậy IMF cho rằng, một phần ba kinh tế thế giới sẽ rơi vào suy thoái và Trung Quốc sẽ gặp khó khăn.

Bất chấp những cảnh báo của IMF, Việt Nam vẫn đưa ra những chỉ tiêu tăng trưởng “hoàn hảo”. Quốc hội phê chuẩn chỉ tiêu tăng GDP là 6,5%; GDP bình quân đầu người là 4.400USD/năm; tăng trưởng trong công nghiệp chế biến từ 25,4% đến 25,8%… Mặc dù lĩnh vực công nghiệp chế biến liên quan đến xuất khẩu, việc tăng trưởng trong lĩnh vực này hoàn toàn phụ thuộc vào sự phục hồi của các nước nhập khẩu như Mỹ, Nhật, Hàn và EU.

Những chỉ tiêu tăng trưởng của Việt Nam năm 2023

Năm 2022, người lao động mất việc tập trung tại các doanh nghiệp FDI, chuyên xuất khẩu các mặt hàng dệt may, giày da, điện tử, chế biến gỗ… Các doanh nghiệp này bị mất đơn hàng do suy thoái kinh tế tại các quốc gia nhập khẩu, và họ buộc phải sa thải lao động. Vì vậy, khi nền kinh tế chưa phục hồi thì tình trạng này chưa thể kết thúc.

Tiến sỹ Trịnh Khánh Ly, một người đã từng làm việc cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Hà Nội, một chuyên gia về vấn đề lao động, đã có cuộc trả lời phỏng vấn với đài RFA vào ngày 4/1/2023, về thực trạng lao động Việt Nam hiện nay và đưa ra dự báo cho năm 2023.

Tiến sỹ Trịnh Khánh Ly cho biết, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam chủ yếu khai thác lao động phổ thông giá rẻ, chứ chưa giúp Việt Nam cải thiện năng suất lao động. Năng suất lao động Việt Nam hiện vẫn thấp hơn các nước Asean khác như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippine và Brunei.

Bài trả lời phỏng vấn BBC của Tiến sỹ Trịnh Khánh Ly

Vì là thị trường lao động giá rẻ nên thu nhập của người lao động rất thấp, đa số tiền lương không đủ trang trải cuộc sống và không có tích lũy. Do đó, khi vừa mất việc là ngay lập tức họ rơi vào khó khăn.

Hiện tại, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang nghiên cứu đề xuất gói hỗ trợ cho người lao động bị mất việc ở mức 3 triệu đồng một người và hỗ trợ 1 lần duy nhất. Người lao động bị tạm chấm dứt hợp đồng là 2 triệu đồng một người. Theo Tiến sỹ Trịnh Khánh Ly, ngay cả khi gói cứu trợ này được thông qua, thì cũng không đảm bảo được tính thiết thực, không thể giúp người lao động duy trì được cuộc sống trong khi chờ để tìm việc làm khác.

Vào tháng 4/2022, Chính phủ từng tung ra gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân, nhưng đến tháng 10/2022 mới chỉ giải ngân được một nửa. Lý do, các thủ tục hành chính quá phức tạp, đòi hỏi phải có sự thẩm định của nhiều ban ngành, như: Cơ quan BHXH, UBND cấp huyện tại địa bàn doanh nghiệp hoạt động, UBND cấp tỉnh…

Báo chí Việt Nam vẫn rất tự tin về phát triển kinh tế trong xu hướng suy thoái toàn cầu

Như vậy, với gần nửa triệu người gặp khó khăn về việc làm và thu nhập, đồng nghĩa với hàng triệu người bị ảnh hưởng, mức chi tiêu của người dân trong năm 2023 sẽ suy giảm, vì người dân bắt buộc phải thắt lưng buộc bụng. Chưa kể đến những tác động xấu của thị trường tài chính và hậu quả của những “đại gia lừa” gây ra trong năm 2022 sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng xấu trong vài năm tới.

Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, đến quý III/2023, tình trạng thất nghiệp mới được cải thiện. Tuy nhiên, Tiến sỹ Trịnh Khánh Ly không đồng ý ý kiến trên và đánh giá ý kiến này là quá lạc quan. Tiến sỹ Ly kiến nghị rằng, Việt Nam cần chuẩn bị cho một kịch bản xấu trong năm 2023.

 

Ý Nhi – Thoibao.de (Tổng hợp)