Nhiều người VN hung hăng nhưng hèn hạ?

Ngày 10/1/2023, trên trang Facebook của mình, cô Thảo Teresa đăng một hình một chiếc ô tô dán dòng chữ “Tiến về Mỹ Đình, tử hình đội bạn” kèm theo nhận xét: “Văn hóa của những kẻ không có ai dạy. Tư duy hằn học coi ai cũng là kẻ thù như này bảo sao hộ chiếu Việt Nam luôn xếp hạng chót”.

Chiếc xe trong hình mang biển số 14 của tỉnh Quảng Ninh.

Chiếc xe trong status của cô Thảo Teresa

 

Người Việt đang càng ngày càng trở nên hung hăng hơn, hung hăng trong trường học, hung hăng trong thể thao, hung hăng ngoài xã hội… Chỉ cần một chút mâu thuẫn nhỏ là có thể giải quyết bằng bạo lực. Va chạm giao thông ngoài đường, chém! Xích mích trong trường học, đánh! Thua một trận đấu thể thao, giết!

Những câu chuyện như thế ngày càng nhiều và càng trở nên phổ biến, làm cho hình ảnh người Việt trở nên xấu xí tệ hại.

Người Việt còn xuất khẩu cả những thói xấu này khi ra nước ngoài. Nhân viên người Việt đánh nhau trong các công ty hãng xưởng ở Nhật khiến chủ Nhật phải đau đầu. Câu chuyện một du học sinh người Việt trốn vé đi tàu ở Nhật, rồi còn cự cãi, đòi tấn công nhân viên an ninh Nhật lan tràn trên mạng khiến cộng đồng người Việt phải xấu hổ… Những chuyện này khiến cho người Nhật, người Úc khi xét hồ sơ du học, du lịch của người Việt, thì họ soi rất kỹ nơi sinh của người nộp hồ sơ, vì người Việt ở một số địa phương sẽ hung hăng hơn một số địa phương khác. Cái biển số xe Quảng Ninh trong status của Thảo Teresa chính là một trong số các địa phương bị hạn chế.

Tuy hung hăng, nhưng người Việt chỉ hung hăng với những người yếu thế hơn họ. Ví dụ như đàn ông sẽ ức hiếp phụ nữ, người đô con to khỏe sẽ ức hiếp những người thấp bé nhẹ cân… Còn đối với kẻ mạnh, họ lại cúi đầu chịu khuất phục. Cái sự hung hăng của người Việt đi kèm với sự hèn hạ, rất ít người Việt dám lên tiếng vì công lý, bảo vệ người yếu thế.

Một bài báo đăng tin “sau va chạm giao thông, 2 cha con vác dao chém người tới tấp”

Có lẽ, nhiều người còn nhớ một đoản văn đã từng gây xôn xao dư luận một thời – “người việt nam hèn hạ” – của tác giả Hân Phan.

Đoản văn của Hân Phan không viết hoa 2 chữ “việt nam”, bởi cô thấy nó không xứng đáng. Chỉ bằng một bài viết ngắn, cô đã lần lượt lột tả hết những thói xấu của người Việt. Là một người sinh ra sau khi đất nước thống nhất, cô nhìn thấy xung quanh mình là những con người không có tương lai, những người đang bị chính quyền ru ngủ và họ cũng tự ru ngủ chính mình với “bia rượu chảy tràn lan mỗi ngày trong quán nhậu”; là cuộc chiến của nhà cầm quyền với dân mình, “Cuộc chiến đó là rình mò, là theo dõi, là cấm cản, là kiểm duyệt, là vu cáo, là bắt bớ, là dùi cui, là tù đày, là chết không lý do, là bị bịt miệng tại tòa, là con cháu theo lời lãnh đạo cầm gậy gộc ra ngoài đồng ức hiếp ông bà cha mẹ chòm xóm của mình vì họ đang giữ đất.”

    Báo RFA từng đăng bài “Người Việt Nam hèn hạ”

Cô cay đắng thốt lên:

“Cuộc chiến này được khoác lên chiếc áo bảo vệ hòa bình, tự do, hạnh phúc. Còn bên trong là để bảo vệ quyền lợi, quyền lực cho một nhóm người gắn kết với nhau bằng những chiếc răng cùng gặm vào xương máu người nghèo, người thất học, người bán buôn lương thiện hàng ngày. Những người mỗi ngày chỉ biết tạ ơn trời Phật đã cho chúng con một ngày yên ổn làm ăn, không bị cán bộ thuế đến nhũng nhiễu, không bị CSGT thổi phạt kiếm ăn, không bị đội dân phòng rượt đuổi, không bị ông chủ đẩy vào toa-lét để sờ soạng, không bị cắt tiền tăng ca, không bị cho ăn cơm thiu ngộ độc, không bị bệnh đột ngột phải vào bệnh viện nằm gầm giường chờ chết…”

“Thế là cái dân tộc đầy sợ sệt, bất an đó cuống cuồng kiếm tiền, cuống cuồng vơ chỗ này, cấu chỗ kia để lo cho cái thân mình. Họ còn biết làm gì nữa?”

“Và khi họ chăm chắm vào tiền và sự yên ổn cho mình, họ để mặc cho một bọn ác khác lên ngôi, bọn này là sản phẩm của công thức: Bên trên, chúng nhìn thấy cách hành xử của một chính quyền côn đồ, có tiền là ra luật + Bên cạnh, chúng nhìn thấy những con người thờ ơ với người khác, chỉ còn biết nghĩ tới mình + Bên dưới, chúng nhận ra một đám người khổ sở, sợ sệt, yếu ớt = Chúng chợt nhận ra chúng có khả năng luồn cúi bên trên, tránh né bên cạnh… ức hiếp bên dưới.”

Rồi cô cảm thán, “Tôi sợ bọn chúng vì bọn chúng đông quá, đông như kiến cỏ. Chúng nhan nhản khắp nơi, ngày ngày bóp chết mọi ước mơ, triệt tiêu mọi khao khát, thêm sự dốt nát của chúng vào nữa là hoàn hảo để tạo ra một nền kinh tế xã hội thụt lùi đến chóng mặt, quay cuồng trong dối trá và danh lợi.”
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng từng chỉ ra 5 tính xấu của người Việt, đó là: Hám tiền, hiếu danh, coi thường danh dự, vô cảm và hèn nhát, coi nhẹ ý nghĩa “đồng bào”. Đây chính là cái gốc của chủ nghĩa “mackeno” đang lên ngôi ở người Việt.

Bài báo phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Lân Dũng

Theo Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, những thói xấu của người Việt là do 5 nguyên nhân chính: 1. Không hiểu đúng mặt tích cực của kinh tế thị trường nhưng lại chịu những tác động xấu của nó; 2. Thiếu dân chủ trong đời sống xã hội; 3. Xem trọng tiền tài hơn giáo dục; 4. Giới quan chức coi chức vụ là cần câu cơm, đúng hơn là câu đô la, biệt thự; 5. Coi trọng hình thức, xem nhẹ nhân tài.

Sự hung hăng và hèn hạ của người Việt, phần lớn là do cái môi trường văn hóa độc hại, nền giáo dục áp đặt và nhồi sọ mà Cộng sản đã tạo ra suốt mấy chục năm nay. Sống trong môi trường bạo lực, người ta hình thành thói quen sử dụng bạo lực, và từ đó mà trở nên hung hăng. Nhưng vì chịu sự áp bức ở mọi nơi, mọi chỗ, nếu phản kháng thì phải chịu thiệt thòi, nên con người trở nên hèn hạ và vô cảm. Đồng thời, vì không nhận được một nền giáo dục hoàn chỉnh, không hiểu được giá trị về quyền con người, nên người ta sẵn sàng chà đạp nhau không thương tiếc

 

Chúc Anh – thoibao.de (Tổng hợp)

 

Kasse animation 7.8.2023