Ông Nguyễn Hồng Diên là một Bộ trưởng bất tài, tháng 11/2022 ông Diên để xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu tràn lan. Một ác mộng đối với đời sống dân sinh và là mối đe dọa đối với nền kinh tế. Tình hình đấy cũng bị lặp lại vào những ngày giáp Tết Quý Mão vừa qua, tuy tình hình không nghiêm trọng như hồi tháng 11 năm ngoái, nhưng nó cho thấy, tình trạng mất an ninh năng lượng luôn cứ thường trực đe dọa.
Công ty Petrolimex, một doanh nghiệp nhà nước chiếm đến 50% thị phần xăng dầu cả nước, có lãi khủng vào quý 4 năm 2022, quý mà xã hội nháo nhào vì tình trạng thiếu xăng dầu. Thực ra, việc các nhà bán lẻ xăng dầu không chịu bán hàng, bởi họ bị ép chiết khấu 0 đồng. Phần lợi nhuận định mức của nhà bán lẻ bị các nhà nhập khẩu và các nhà phân phối xăng dầu gặm phần lớn. Miếng bánh kinh tế ngành xăng dầu đang bị các ông lớn nhập cảng và phân phối xăng dầu luôn dành phần hơn.
Như vậy là, hậu quả của việc thiếu xăng dầu lại làm cho các ông doanh nghiệp xăng dầu nhà nước kiếm chác. Ông Nguyễn Hồng Diên đang điều hành ngành công thương với những ưu ái cho các doanh nghiệp nhà nước. Họ đang làm chính sách để trục lợi, bất chấp những khó khăn do tình trạng khan hiếm xăng dầu mang lại.
Cái bài của ông doanh nghiệp độc quyền nhà nước là, trước khi có chiến dịch nâng giá bán mặt hàng độc quyền, họ cho báo chí chạy hết công suất than vãn về việc thua lỗ. Thực ra đấy là Chính phủ chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền Thông cho báo chí đi trước để dọn đường mà thôi.
Mới đây, các tờ báo đồng loạt đưa tin, Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN ước tính lỗ lũy kế hai năm 2022 – 2023 gần 99.000 tỷ đồng. Đây là chiêu bài không ai lạ gì, giới quan sát cũng đánh giá, đấy là hành động dọn đường cho trò tăng giá điện. Và quả thật, chiêu thứ nhì là họ thông báo lộ trình tăng giá điện.
Sau khúc dạo đầu than vãn thua lỗ, ngày 15/2, ông Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên làm việc với Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về đòi hỏi tăng giá bán điện. Lại một lần nữa người dân bị siết. Tất nhiên, Bộ đồng ý tăng giá điện cần có thời gian qua những thủ tục cần thiết, nhưng việc tăng giá điện là khó tránh khỏi.
Theo như cộng tác viên của Thoibao.de tìm hiểu, người dân rất không đồng ý việc tăng giá điện bởi cuộc sống của họ vốn khó khăn. Chi phí tiền điện hằng tháng cũng là một khoản chi đáng kể. Chính quyền nói lạm phát dưới 4%, nhưng thực tế không phải vậy, năm 2022, mặt bằng giá cả bị trượt giá ít nhất cũng 2 con số, chứ không như chính quyền nói. Giờ lại thêm tăng giá điện thì đời sống người dân càng cảm thấy ngột ngạt.
Có người lại bức xúc nói rằng, nếu EVN than vãn thua lỗ, thì tại sao không xóa bỏ độc quyền, để tư nhân nhảy vào kinh doanh ngành cấp điện này? Tại các nước trong khu vực, người dân luôn có nhiều sự chọn lựa nhà cung cấp điện, không phải chỉ một công ty duy nhất như Việt Nam. Nếu lỗ quá thì để cho người khác nhảy vào làm và gánh lỗ, tại sao không mà lại than vãn là lỗ nặng?
Nếu biết đặt câu hỏi thì lòi ra trò tham lam của một chính quyền tham lam. Họ muốn độc quyền bởi họ muốn chỉ có họ mới có thể trục lợi. Nếu phá bỏ độc quyền, tư nhân có quyền tham gia vào thị trường bán điện, thì họ sẽ bị thua và mất miếng bánh béo bở bao lâu nay. Hễ ngành nào tư nhân nhảy vào thì họ luôn làm tốt hơn nhà nước, bởi họ biết đầu tư chất xám, họ biết mang lại cho khách hàng những gì khách hàng cần.
Có thể nói, với trò tung hứng giữa EVN và Bộ Công thương lần này không ngoài mục đích tăng giá điện siết cổ dân. Có người nói chua chát rằng, mới đây họ cho người dân “bỏng xăng” hai lần, giờ họ lại cho “chích điện”, dân nào chịu cho thấu?
Chế độ này là vậy, họ làm chính sách là phục vụ lợi ích nhóm, chứ không bao giờ họ vì dân, mặc dù trên mặt trận truyền thông, họ luôn ra rả “nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân”.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)
Link tham khảo: