Link Video: https://youtu.be/RHpDGxU8K3M
Ngày 15/2, truyền thông nhà nước loan tin, “đến tháng 5/2023, cần chấm dứt tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp”.
Bản tin cho biết, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định số 81/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Kế hoạch này nhằm triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật thủy sản; khắc phục các tồn tại, hạn chế, theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), gỡ cảnh báo “thẻ vàng” trong năm 2023.
Theo Kế hoạch này, các Bộ, ngành và các địa phương liên quan từ nay đến tháng 5/2023 phải rà soát, thống kê toàn bộ số lượng tàu cá của địa phương, hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) theo quy định.
Kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại đồn/trạm biên phòng tuyến biển; kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra, vào tại cảng cá theo đúng quy định đảm bảo thiết bị VMS hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng; theo dõi, giám sát 24/7 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá.
Mục tiêu của Kế hoạch là đảm bảo 100% hồ sơ các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu và các thị trường khác có yêu cầu truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác. Truyền thông nhà nước cho hay.
Theo một bản tin trên VOA ngày 15/2, Việt Nam đã bị Ủy ban châu Âu (EC) áp dụng hình thức cảnh báo “thẻ vàng” trong hơn 5 năm qua, kể từ tháng 10/2017, vì tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU) và có nguy cơ tiếp tục bị phạt “thẻ đỏ” nếu không cải thiện tình hình.
Việt Nam hiện đang đối mặt với khoản thiệt hại lên tới 480 triệu USD mỗi năm trong xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU nếu bị phạt “thẻ đỏ”.
Kể từ sau khi bị cảnh cáo “thẻ vàng”, EC đã tiến hành kiểm tra thực tế Việt Nam 3 lần vào các năm 2017, 2019 và tháng 10 năm ngoái.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng đưa ra yêu cầu chấm dứt tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp trước ngày 31/3/2023. Khi đó, ông Chính nói rằng, việc gỡ cảnh báo trên “không phải chỉ để đối phó với EC mà vì mục tiêu phát triển ngành thủy sản Việt Nam bền vững, đảm bảo lợi ích của người dân, của quốc gia, nâng cao vị thế, hình ảnh của đất nước trên trường quốc tế, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế trong bảo vệ môi trường biển, hệ sinh thái biển bền vững”. Một bản tin trên VOA ngày 28/12/2022 cho hay.
Như vậy, Chính phủ Việt Nam lại lùi kế hoạch mà chính họ đặt ra thêm 2 tháng nữa. Tình trạng này không mới lạ gì, Việt Nam vẫn thường đề ra những kế hoạch, với những lời hô vang “quyết tâm, quyết tâm, quyết tâm”… Nhưng nếu chỉ là kế hoạch nội bộ, có thể che dấu được, thì họ sẽ che dấu bằng những con số thống kê, những kết quả hoành tráng mà chẳng mấy ai tin. Nếu kế hoạch có liên quan đến quốc tế, không che dấu nổi, thì họ vẫn hô “quyết tâm”, xong rồi cứ lùi, lùi, hoãn hoãn… để kéo dài thời gian. Trên thực tế, họ tự biết khó có thể đạt được những mục tiêu này.
Trở lại với câu chuyện khai thác thủy hải sản bất hợp pháp. Ngư dân và tàu cá của Việt Nam từng bị bắt nhiều lần khi đánh bắt trái phép trong vùng biển của Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia và Campuchia.
Việt Nam chỉ có thể chấm dứt tình trạng này nếu chính quyền có thể trả lại cho ngư dân những ngư trường truyền thống của họ ở khu vực Hoàng Sa, Trường Sa, những vùng biển đã bị Trung Quốc chiếm giữ. Mà điều này e là không thể. Vì vậy, tình trạng đánh bắt thủy hải sản trái phép khó có thể chấm dứt.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Ai chịu trách nhiệm về quyền lợi của người lao động?
>>> Em họ cựu Chủ tịch nước dính đến nhiều nhóm lợi ích
>>> Việt Nam cần hành động ngay trước mối đe dọa từ chiến lược “Dung hợp quân – dân” của Trung Quốc
Việt Nam coi thường lệnh trừng phạt Nga của EU