Những ngày qua, cộng đồng mạng xôn xao về chính sách chặn du khách vào phố cổ Hội An để thu tiền. Có ý kiến cho rằng, chính quyền thành phố Hội An “tham bát bỏ mâm”, ý là, tiền thu từ việc chặn du khách không được bao nhiêu đồng, nhưng hậu quả của nó thì lớn hơn nhiều.
Đây là ý kiến rất đúng, bởi hồi tháng 6/2022, Công ty dịch vụ công ích Thanh niên Xung phong TP. HCM báo cáo, họ thu phí đậu xe tại một số tuyến đường thành phố, và đã lỗ 7,9 tỷ đồng. Nghĩa là, chỉ có việc đi thu tiền của khách đậu xe mà họ cũng báo cáo lỗ. Không cần bỏ vốn, chỉ cần đi thu tiền mà tại sao lại lỗ, là điều làm nhiều người ngạc nhiên.
Thực ra đó là căn bệnh chung của chính quyền Cộng sản, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam chỉ có đào than lên bán cũng lỗ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PetroVietnam chỉ có hút dầu lên bán cũng lỗ, EVN được độc quyền áp giá điện mua và áp giá điện bán trên toàn Việt Nam cũng lỗ. Vậy thì việc chỉ đi thu tiền đậu xe mà cũng lỗ, thì cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Nếu đào sâu bản chất, quan chức các doanh nghiệp này rất giàu. Công ty lỗ để lãnh đạo giàu là bệnh nan y của doanh nghiệp nhà nước bao lâu nay.
Quay lại câu chuyện thu phí của chính quyền Hội An với phố cổ, thì sau này, đơn vị thu phí ấy báo cáo lỗ cũng không có gì là ngạc nhiên. Nghĩa là, việc thu phí này chẳng làm cho thành phố giàu lên, mà khả năng tiền đấy rót vào túi quan tham rồi sau đó hô toáng lên là “lỗ”, thì lại lấy tiền nhà nước lại bù vào. Mà tiền nhà nước chẳng phải tiền thuế của dân sao?
Mặt hại rõ ràng nhất của việc chặn khách du lịch thu tiền là sẽ bị tẩy chay. Mà vắng khách du lịch thì ngành du lịch thành phố bị ảnh hưởng, kéo theo ngân sách thành phố sẽ bị thất thu. Đây mới là cái hại lớn mà ai cũng nhìn thấy, nhưng quan chức lãnh đạo thành phố này không thấy. Khi ngân sách thất thu thì tiền đâu mà duy trì và bảo tồn phố cổ? Đấy là cái họa lâu dài của một cái nhìn thiển cận.
Khi chặn người buộc phải mua vé vào phố cổ, vậy thì câu hỏi đặt ra là, với người dân phố cổ, họ muốn ra vào phố cổ để làm ăn sinh sống, chẳng lẽ cũng chặn đường họ thu tiền ư? Khi này chính quyền thành phố lại nảy ra một ý kiến rằng “dùng người phố cổ nhận biết người phố cổ”. Vậy thì câu hỏi đặt ra là, có người phố cổ nào biết mặt hết mọi người ở phố cổ không? Câu trả lời là không.
Vậy thì làm sao có thể dùng người phố cổ để nhận biết người phố cổ, ấy là chưa nói đến việc chính quyền thành phố phải mất tiền để trả lương cho người phố cổ nhận ra người phố cổ. Lúc đó ngân sách thành phố lại bị mất đi một ít vì chuyện vô bổ.
Việc “dùng người phố cổ nhận biết người phố cổ” sẽ khiến thành phố Hội An trở thành một “đô thị cảnh sát”. Người người nhòm ngó nhau, soi mói nhau. Người người trở thành mật vụ, biến người Hội An trở thành xấu xí và làm khổ họ.
Tuy mức độ khác nhau, nhưng cách làm này tương tự như thời Cải cách ruộng đất, khi ông Hồ Chí Minh cho những người bần nông tố giác địa chủ nhằm tước đoạt tài sản nạn nhân, thậm chí có thể hành quyết họ.
Ngày nay, chính quyền Hội An dùng cách lấy người dân để theo dõi, tố cáo những người không thuộc dân phố cổ, đây cũng là cách làm man rợ như thời Cải cách ruộng đất.
Bây giờ đã là thời đại 4.0, nhưng quan chức Hội An vẫn mang tư duy “ăn lông ở lỗ” thời ông Hồ Chí Minh làm Chủ tịch nước.
Với thành phần lãnh đạo có tư duy như thế, Hội An nếu không đổ thì cũng nát. Về khía cạnh vật chất, cách làm này không mang lại nguồn thu cho ngành du lịch thành phố, mà thậm chí còn hại thành phố giảm mất nguồn thu. Vậy lấy đâu ra tiền để tu bổ và tôn tạo? Còn về khía cạnh phi vật thể thì nó tạo ra môi trường xã hội ngột ngạt, du khách bị theo dõi và bất cứ ai cũng có nguy cơ bị đấu tố. Đấy là sự thối nát về mặt xã hội.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)
Link tham khảo:
https://thanhnien.vn/thu-phi-dau-xe-long-duong-lo-tien-ti-1851470782.htm