Lỡ trên lưng cọp, Vượng Vin bám cổ cọp đến cùng, sau đó… tùy số phận

Mới đây, báo chí trong nước thông báo, VinFast sắp xuất lô xe thứ 2 sang Bắc Mỹ, với số lượng 1.800 chiếc, gồm mẫu xe VF8 phiên bản tiêu chuẩn để bán ra tại 2 thị trường Mỹ và Canada. Lô xe điện VF8 thứ hai đang được tập kết tại cảng MPC Port (Hải Phòng), để chuẩn bị lên đường sang Bắc Mỹ, phục vụ cho 2 thị trường Mỹ và Canada trong thời gian tới. Dự kiến, những chiếc xe này sẽ cập cảng và chính thức giao đến tay khách hàng Mỹ trong tháng 5 tới, trong khi khách hàng tại Canada sẽ lần đầu đón nhận xe điện VinFast VF8 vào tháng 6.

VinFast sắp xuất lô thứ 2 sang Mỹ

Như vậy là đến giữa năm 2023, VinFast xuất sang thị trường Bắc Mỹ tổng cộng 2.800 chiếc xe, một con số khá khiêm tốn, như là muối bỏ biển. Bởi vì, trong cùng thời gian đấy, Tesla bán gần 750 ngàn xe. Có lẽ, với số lượng nhỏ như vậy, chỉ là chiến lược thăm dò thị trường.

Song song với việc xuất xe sang Mỹ đợt 2, VinFast cũng chi mạnh tay quảng cáo VF8 trên truyền hình Mỹ. Việc xuất xe ít không thu lợi về cho VinFast bao nhiêu, nhưng bộ máy đốt tiền vẫn tiếp tục hoạt động, đó là tiền quảng cáo VinFast trên thị trường Mỹ.

Quảng cáo mạnh là điều cần thiết vì nó là cách mạnh nhất để mở rộng thị trường, tuy nhiên, đi kèm với quảng cáo phải là chất lượng tương xứng. Với một thương hiệu mới toanh như VinFast, bao giờ khách hàng cũng thận trọng hơn trong vấn đề tìm hiểu và xuống tiền mua.

Người Mỹ có thói quen dùng ô tô. Không thương hiệu mạnh nào trên thế giới mà họ không biết. Họ có rất nhiều về lựa chọn và cũng có kinh nghiệm chọn xe phù hợp mục đích sử dụng. Cho nên, dù sức tiêu thụ ô tô mới của người Mỹ là khổng lồ, nhưng không có nghĩa là những thương hiệu mới dễ dàng chen chân vào được. Thị trường rất lớn, cơ hội rất lớn, nhưng rủi ro cũng không nhỏ.

VinFast quảng cáo trên truyền hình Mỹ

Rủi ro cho thương hiệu mới trên thị trường Mỹ là gì? Đó là sự khó tính của thị trường. Vì thị trường lâu đời nên nó không dễ gì dung nạp những thương hiệu kém chất lượng. Ô tô Trung Quốc tung hoành thị trường nội địa nhưng vẫn không thể chen chân vào Mỹ. Hàn Quốc và Nhật Bản đã thành công trên thị trường Mỹ, nhưng Trung Quốc lại thất bại. Vậy câu hỏi đặt ra là, chất lượng VinFast ở tầm Nhật và Hàn, hay ở tầm Trung Quốc?

Với tai tiếng từ 5 năm qua, không ai nghĩ VinFast có thể đạt đến chất lượng xe Nhật và xe Hàn. Cho nên việc xâm nhập thị trường Mỹ của VinFast là một canh bạc dựa vào máu liều của ông chủ Phạm Nhật Vượng.

Có người nói, làm giàu phải có máu liều và có lẽ đúng vậy. Trong con người ông Phạm Nhật Vượng có máu liều thật. Máu liều gặp thời thì thăng hoa, còn máu liều gặp vận hạn thì đời tàn. Ông Phạm Nhật Vượng đã trúng đất và phất lên thành tỷ phú số 1 Việt Nam. Và cũng với máu liều, ông nhảy sang công nghệ thì bị mắc kẹt.

VinFast xuất 1.800 xe sang thị trường triệu xe, chẳng khác nào “cưỡi lưng cọp”. Giờ phải bám, bám đến khi nào không bám được nữa thì tùy số phận. Đã lỡ đốt tiền thì phải tiếp tục đốt để đẩy doanh số và mở rộng thị trường. Còn thị trường có dung nạp VinFast hay không thì đấy là việc “để mai tính”.

Hiện nay, nhiều hãng ô tô lớn đang giới thiệu xe điện giá rẻ, dưới 30 ngàn đô với thị trường Mỹ. Những hãng này là những hãng xe xăng lâu đời. Họ có thương hiệu, họ bán giá rẻ thì đấy là một lợi thế rất lớn, lợi thế mà VinFast không thể nào có được. Đấy cũng lại là một bài toán khó nữa cho ông Phạm Nhật Vượng.

Xe VinFast tại Việt Nam đang ế, ế đến mức ông Vượng phải lập hãng taxi để sử dụng hàng ế này. Xe được xuất sang Mỹ cũng là một trong những hàng ế tại Việt Nam. Không biết hàng ế tại Việt Nam có đắt hàng ở Mỹ hay không? Nếu đắt hàng thì sẽ là cứu cánh cho VinFast của Phạm Nhật Vượng trong lúc này.

Thu Phương -Thoibao.de (Tổng hợp)

Link tham khảo:

https://www.youtube.com/watch?v=r3BBR6JPLtg