Mới đây, cộng đồng mạng xôn xao về bản án dành cho một cô giáo, cựu Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Hưng Nguyên, Nghệ An, bị kết án 5 năm tù với cáo buộc nhiều lần thanh toán trái quy định, chiếm đoạt gần 45 triệu đồng.
Theo đó, sáng 26/4, Tòa án Nhân dân huyện Hưng Nguyên mở phiên tòa sơ thẩm xét xử và tuyên phạt bà Lê Thị Dung (51 tuổi, ngụ thị trấn Hưng Nguyên, huyện Hưng Nguyên) mức án 5 năm tù về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ”. Bà Dung bị khởi tố bị can, bắt tạm giam từ ngày 28/3/2022.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Hưng Nguyên, từ ngày 1/10/2012 đến năm 2017, bà Dung là Bí thư chi bộ, chủ tài khoản của Trung tâm Giáo dục Thường xuyên huyện Hưng Nguyên (nay là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên), đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, nhiều lần thanh toán trái quy định để chiếm đoạt số tiền hơn 48,3 triệu đồng từ nguồn ngân sách nhà nước.
45 triệu đồng, chưa tới 2 ngàn đô la. Mà chi sai chứ không phải là biển thủ. Tuy nhiên, bản án nặng nề đã tuyên, nó thể hiện cái gọi là nền công lý Việt Nam rất tùy tiện.
Ở một phiên tòa khác, vào tháng 12/2018, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TP. HCM đã tuyên án 3 năm tù, cho hưởng án treo, đối với ông Đặng Thanh Bình (cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước), về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Ông Bình gây thiệt hại cho nhà nước 15.000 tỷ đồng. Một bản án làm cho xã hội xôn xao.
Hệ thống tư pháp Việt Nam tùy tiện từ viện kiểm sát, đến tòa án, và cả cảnh sát điều tra. Năm 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp đoàn giám sát “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật” đã cho biết, trong vòng 3 năm, có đến 226 người chết trong đồn công an khi bị tạm giữ.
Bàn tay của Công an thì bức cung nhục hình dẫn đến chết người, nhưng họ không chịu bất kỳ hình phạt nào. Tòa án Nhân dân Tối cao dưới sự chủ tọa của ông Chánh án Nguyễn Hòa Bình, đã ép chế Hồ Duy Hải bằng những vật chứng được mua ngoài chợ. Và rất nhiều trò hề công lý khác, cứ nhan nhản và thách thức dư luận.
Tòa án Việt Nam xử theo chỉ đạo chứ không theo quy trình tố tụng hình sự. Cô giáo Lê Thị Dung bị phạt 5 năm tù, bởi vì cô là thường dân, không thân không thế, không chạy chọt vv.. và không loại trừ khả năng có bàn tay kẻ khác tác động vào tòa án, để xử thật nặng cô.
Tòa án xử ông Đặng Thanh Bình, cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho ông hưởng án treo với tội làm thất thoát 15.000 tỷ đồng, cũng là cách xử được chỉ đạo. Có những lệnh miệng tác động đến tòa án và tòa án đã xử chiếu lệ, họ muốn tha bổng, nhưng vì tội chứng quá rõ nên xử án treo.
Bao nhiêu lần nhà nước Cộng sản hô hào “cải cách tư pháp”, nhưng tư pháp Việt Nam vẫn thế. Nó là thứ tư pháp bất công, nó là thứ công cụ của chế độ, nó là công cụ của quyền lực. Bản chất của chế độ này là thế, mà ngành tư pháp là công cụ của chế độ, thì cải cách thế nào được?
Làm công dân Việt Nam là chấp nhận oan chồng oan, chấp nhận những cách hành xử bất công của chính quyền. Đến luật pháp quốc tế, luật pháp các nước khác quan chức Việt Nam còn không tôn trọng, thì luật pháp Việt Nam vốn do họ nắm trong tay, làm sao họ tôn trọng?
Đứng đầu ngành công an là ông Tô Lâm, một trùm bắt cóc. Đứng đầu ngành tòa án là ông Nguyễn Hòa Bình, một trùm làm án oan. Vậy thì lấy đâu ra công lý cho người dân? Lấy đâu ra một xã hội công bằng có kỷ cương. Dù cải cách tư pháp thế nào, mà thể chế chính trị không cải cách, thì tư pháp vẫn bất công chồng bất công, vẫn án oan thường xuyên.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)
Link tham khảo:
https://thanhnien.vn/ba-nam-co-toi-226-nguoi-chet-trong-trai-tam-giam-tam-giu-185455837.htm