Chiếm đảo trái phép, Đài Loan còn chỉ trích ngược Việt Nam

Link Video: https://youtu.be/zEH8Soh7woI

VOA Tiếng Việt ngày 12/6 loan tin “Đài Loan chỉ trích ngược Việt Nam liên quan đến cuộc tập trận bắn đạn thật”.

Theo đó, Bộ Ngoại giao Đài Loan vừa lên tiếng bác bỏ cáo buộc về cuộc tập trận bắn đạn thật của họ “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam” là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

VOA cho biết, trong tuyên bố đưa ra hôm 11/6, Bộ Ngoại giao Đài Loan nói: “Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng tuyên bố, cuộc tập trận bắn đạn thật gần đây do Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan) tổ chức ở vùng biển xung quanh đảo Thái Bình (Ba Bình) là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo Nam Sa (Trường Sa). Bà cũng tuyên bố rằng, cuộc tập trận gây ra mối đe dọa đối với hòa bình, ổn định hàng hải và an ninh hàng hải, đồng thời làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) cho rằng, những tuyên bố này hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

Bộ Ngoại giao Đài Loan nói rằng, Chính phủ Đài Loan có quyền “thực hiện tất cả các quyền của một quốc gia có chủ quyền đối với Đảo Thái Bình và các vùng biển liên quan”, đồng thời nhắc lại “bốn nguyên tắc” và “năm hành động” mà Tổng thống Đài Loan đã đưa ra năm 2016, để tìm cách giải quyết các vấn đề về Biển Đông.

Theo VOA, đảo Ba Bình, hòn đảo lớn nhất trong Quần đảo Trường Sa, là thực thể tranh chấp giữa Việt Nam, Đài Loan, Trung Quốc và Philippines. Hòn đảo này hiện do Đài Loan kiểm soát và Đài Bắc thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận ở đó. Cuộc tập trận bắn đạn thật mới nhất diễn ra vào ngày 7/6.

Đảo Ba Bình theo cách gọi của Việt Nam, hay là đảo Thái Bình theo cách gọi của Đài Loan, là một đảo san hô thuộc cụm Nan Yết của quần đảo Trường Sa. Đây là đảo có diện tích tự nhiên lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa.

Đảo Ba Bình là thực thể tranh chấp giữa Việt Nam, Đài Loan, Philippines và Trung Quốc.

Hình: Tin trên VOA

Thời Pháp thuộc, đảo Ba Bình và các đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa được sáp nhập vào địa phận tỉnh Bà Rịa. Pháp cũng thiết lập một trạm khí tượng tại đảo này.

Trong Thế chiến Thứ hai, quân đội Nhật Bản chiếm đảo này làm căn cứ quân sự. Sau đó, Nhật Bản từ bỏ quyền kiểm soát đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, trong đó có đảo Ba Bình vào năm 1951.

Ngày 12/12/1946, trên danh nghĩa giải giáp quân Nhật, Trung Hoa Dân quốc cho tàu chiến đem quân đổ bộ lên đảo Ba Bình. Sau đó, do thất bại trong cuộc nội chiến nên Trung Hoa Dân Quốc phải tháo chạy khỏi đại lục và ra đảo Đài Loan, đồng thời rút quân khỏi đảo Ba Bình vào năm 1950.

Năm 1956, Đài Loan lại điều tàu đến đảo Ba Bình. Thời điểm quân đội Đài Loan thực sự tái chiếm đảo Ba Bình không rõ ràng, và có rất nhiều thông tin khác nhau. Có nguồn tài liệu cho rằng, từ năm 1971 thì Đài Loan mới thực sự đồn trú lâu dài trên đảo. Đến năm 2000, Đài Loan mới bắt đầu điều lực lượng tuần duyên đến đảo này.

Sau đó, Đài Loan bắt đầu xây dựng đường băng trên đảo này từ năm 2008, rồi nâng cấp cảng biển, xây hải đăng, tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh đảo thường xuyên những năm sau này.

Ngày nay, đảo Ba Bình là một “pháo đài” với nhiều công sự phòng thủ kiên cố và có một đường bang, cho phép máy bay vận tải đa năng hạng trung C-130 Hercules lên xuống.

Phía Việt Nam cho rằng, Đài Loan đã “mượn gió bẻ măng”, lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh của Việt Nam, nhất là thời điểm quân Pháp rút khỏi Việt Nam. Việc Đài Loan chiếm giữ đảo Ba Bình là chà đạp lên luật pháp quốc tế, chà đạp lên chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa.

Trước 1975, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa nhiều lần khẳng định chủ quyền đối với đảo Ba Bình. Sau 1975, chính quyền Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với đảo Ba Bình.

Mỗi lần Đài Loan tập trận tại hòn đảo, Việt Nam đều lên tiếng phản đối, nói rằng, các cuộc tập trận này vi phạm chủ quyền của mình.

Hình: Việt Nam lên tiếng phản đối Đài Loan tập trận ở đảo Ba Bình

Hoàng Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Trung Quốc muốn lập căn cứ gián điệp ở Cuba?

>>> Bề dày “thành tích” của ông Tướng Phạm Bá Hiền

>>> Báo nhà nước xóa bài về vụ tấn công đồn công an xã ở Đắk Lắk

Bạo lực không phải là giải pháp đấu tranh


Kasse animation 7.8.2023