Ở Đại hội 13, cuộc chiến giữa Vương Đình Huệ và Phạm Minh Chính không diễn ra sớm như bây giờ. Ông Vương Đình Huệ, từng là Phó Thủ tướng, và lúc đó là Bí thư Thành ủy thành phố Hà Nội, nên có nhiều ưu thế hơn. Tuy nhiên, đến phút cuối, Phạm Minh Chính lại nhảy ngang ra chiếm lấy ghế Thủ tướng. Nói về kinh nghiệm làm việc ở Chính phủ, Phạm Minh Chính không bằng Vương Đình Huệ, nhưng nói về trò chơi quyền lực, Vương Đình Huệ không bằng Phạm Minh Chính.
Vương Đình Huệ thông minh nhưng nhát gan, cộng thêm một phần gian xảo và cả may mắn. Có người nhận xét rằng, nếu Nguyễn Bá Thanh mà không xanh cỏ, thì ghế Tứ trụ hôm nay không phải của Vương Đình Huệ, mà là của Nguyễn Bá Thanh. Từ khi được ông Tổng Bí thư chọn làm “đệ ruột”, thì ông Huệ vẫn tránh né những vụ đối đầu lớn, và nhường việc đó cho Nguyễn Bá Thanh.
Việc Nguyễn Bá Thanh chết được xem là may mắn cho Vương Đình Huệ. Từ nhân vật số 2 dưới trướng ông Tổng, ông Huệ trở thành nhân vật được tin tưởng số một.
Trò chơi chính trị cần phải có thực lực, cần phải có khả năng “chơi cờ người”, chứ không phải chỉ né tránh và chờ thời mà trèo lên được. Với Nguyễn Bá Thanh, ông Vương Đình Huệ gặp may, nhưng với Phạm Minh Chính thì ông Huệ không được gặp may mắn. Ông đã từng bị thua trắng bụng ở Đại hội 13 cách đây hơn 2 năm.
Cùng vào Tứ trụ, nhưng Vương Đình Huệ chưa phải là một chân Trụ độc lập, trong khi đó, Phạm Minh Chính giờ đây đã là một chân Trụ độc lập, chấp nhận “chơi đôi công” với Trụ Tổng. Tuy là ở thế thủ, nhưng là có hàng thủ bằng bê tông, rất khó để Trụ Tổng xuyên thủng được. Nếu không quật được Trụ Thủ tướng, kết quả sau hơn 2 năm nữa rất khó đoán định. Chức Tổng Bí thư không chắc lọt vào tay ông Huệ được.
Nếu phía Đức đồng ý dẫn độ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, ông Huệ có thể gỡ được ván cờ. Phía ông Thủ tướng và Tổng cục Tình báo Quân đội cũng rất “cáo già”, khi mà họ chọn “nơi nguy hiểm nhất cũng là nơi an toàn nhất”. Thoạt nhìn, có vẻ như nước Đức là nơi không an toàn, bởi Đức từng để xảy ra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Tuy nhiên, vấn đề là, ông Thủ tướng và Tổng cục Tình báo Quân đội lại không nhìn phiến diện như vậy, họ nhìn vào bản chất vấn đề.
Nhìn bề ngoài thì Đức và Thái Lan có vẻ không an toàn như nhau, vì cả 2 nơi này đều để cho Công an Cộng sản vào bắt người. Tuy nhiên, thực tế thì hoàn toàn khác. Nước Đức là nước dân chủ và là một trong những cường quốc hàng đầu thế giới. Họ không thể tha thứ cho những hành động phạm pháp trên đất nước họ. Và vì thế, sau khi để xảy ra vụ bắt cóc 6 năm trước, phía Đức sẽ quyết không để xảy ra điều tương tự một lần nữa. Sau vụ Trịnh Xuân Thanh, thì ẩn náu tại Đức sẽ an toàn hơn. Còn với Thái Lan thì không được như vậy, nên việc bắt cóc người trên đất Thái mới xảy ra nhiều lần.
Thực ra mà nói, hành động bắt cóc người trong quá khứ của Tô Lâm (mà đúng hơn là lệnh của ông Tổng Bí thư), chính là bức tường bảo vệ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn ngày hôm nay. Nếu ông Tô không bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, thì ngày nay, Chính phủ Đức đã không bảo vệ quyết liệt cho bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Chuyến thăm của ông Vương Đình Huệ đến Đức vào tháng 9 tới đây, theo dự đoán, có thể là ông sẽ cố thuyết phục phía Đức cho dẫn độ. Bởi đây là canh bạc sống còn cho sự nghiệp chính trị của Vương Đình Huệ, nên ông sẽ làm mọi cách có thể. Tuy nhiên, theo đánh giá của một nhà quan sát, thì khả năng thành công là rất thấp, nếu không muốn nói là không thể.
Như vậy, trận thượng đài năm 2021, Vương Đình Huệ đã thua, và giờ đây, mới nửa nhiệm kỳ, Vương Đình Huệ đang cố gắng để đoạt được lá “bài tẩy” của Phạm Minh Chính, nhằm chiếm lợi thế trong lần so găng vào năm 2026 tới đây. Với việc, mới nửa nhiệm kỳ đã lo chuyện đấu đá, thì cuối nhiệm kỳ, trận chiến hứa hẹn sẽ ác liệt hơn nhiều.
Thu Phương – (Tổng hợp)