Tô Lâm, một cái tên đang và sẽ được nhắc nhiều trên truyền thông, bởi so với các Tổng bí thư tiền nhiệm, ông Tô Lâm là người mạnh tay hơn cả. Điều đó cho thấy tham vọng của Tô Lâm rất lớn, muốn thay đổi mọi trật tự cũ và thiết lập lại trật tự mới theo ý của mình.
Với gốc là Tướng Công an, đi lên từ quyền lực Công an nên Tô Lâm có điều kiện để tung quả đấm thép làm náo loạn chính trường và thiết lập trật tự mới. Hiện nay Tô Lâm đang muốn làm thay đổi trật tự chính trị và thay đổi xã hội.
Nguyễn Phú Trọng, người tiền nhiệm của Tô Lâm đã để lại dấu ấn về lò đốt tham nhũng, một công cụ thanh trừng phe phái hiệu quả. Nguyễn Văn Linh, một tiền nhiệm xa của Tô Lâm đã để lại một dấu ấn mà Đảng Cộng Sản gọi là “cải cách”. Chính cột mốc đã làm cho Việt Nam khá hơn Bắc Hàn và Cuba hiện nay.
Như vậy, trước Tô Lâm, Nguyễn Phú Trọng thiết lập lại trật tự trên bàn cờ chính trị theo ý để củng cố quyền lực. Còn Nguyễn Văn Linh thì thiết lập lại mô hình kinh tế để đất nước thoát khỏi cảnh khốn cùng sau bao năm theo nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp.
Tô Lâm đang muốn gộp 2 con người ấy lại thành một Tô Lâm mới. Tô Lâm muốn học hỏi Nguyễn Phú Trọng thiết lập lại trật tự mới, trật tự dành cho người Hưng Yên và gia đình họ Tô. Từ đó biến Việt Nam thành nước độc tài 2 trong một, vừa độc tài toàn trị vừa độc tài cá nhân. Nhưng Tô Lâm cũng muốn cải thiện tình hình kinh tế không lối thoát hiện nay để “lưu danh sử sách” của Cộng Sản như cột mốc “đổi mới” thứ 2 sau năm 1986 của Nguyễn Văn Linh.
Dùng Bộ Công an tiếp tục đưa củi vào lò, tiến hành loại từng người từng người, đồng thời xây dựng hệ sinh thái quyền lực dựa trên lõi Hưng Yên. Ở khía cạnh này, công việc của Tô Lâm đang rất suôn sẻ. Tuy có một số vướng mắc nhưng cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát.
Dùng quyền lực Tổng bí thư, Tô Lâm cho khắc nhập cấp tỉnh và cấp xã, bỏ cấp huyện. Bài toán tinh gọn này có vẻ như Tô Lâm học theo các nước tư bản, họ quản lý theo bang rộng lớn và dưới bang là các địa hạt cũng rộng lớn. Tuy nhiên, Tô Lâm chỉ bắt chước hình thức, còn nội hàm bên trong vẫn không thay đổi. Nhân sự vẫn được bố trí đầy đủ, số tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi không đáng kể. Cho nên, về số lượng nhân sự, thì không tinh gọn. Bản chất vẫn vậy, bộ máy vẫn cồng kềnh.
Với những cải tổ như trên, Tô Lâm đang rất tự tin cho báo chí loan báo rộng rãi về cái gọi là “kỷ nguyên vươn mình”. Cho sáng tác thơ ca và tuyên truyền thật nhiều về kỷ nguyên này.
Tất cả những gì Tô Lâm đang làm chỉ nhắm vào 2 mục đích. Quyền lực lớn và thành tựu vĩ đại. Tuy nhiên, nhiệm vụ đầu có thể đạt được nhưng nhiệm vụ thứ nhì, nó là nhiệm vụ bất khả thi.
Mới đây, Việt Nam đã bị Mỹ áp thuế 20% cho hàng Việt Nam, 40% cho hàng Tàu mượn đường và buộc Việt Nam phải hạ thuế nhập cho hàng Mỹ xuống 0%. Đây là đòn đánh mạnh vào cán cân thương mại giữa 2 nước. Sẽ không còn thời kỳ dễ dàng tích lũy ngoại tệ. Điều đó có nghĩa rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ mong manh hơn, kém ổn định hơn và sức đề kháng trước khủng hoảng kém hơn.
Mới đây, tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa chỉ ra mặt trái công nghiệp FDI rằng, xuất khẩu 400 tỷ USD nhưng Việt Nam chỉ giữ lại 17 tỷ. Điều đó cho thấy nội lực của nền kinh tế rất yếu chưa thể tạo ra được sản phẩm có giá trị cao trên chuỗi cung ứng.
Vướng mắc lớn nhất là vấn đề thể chế chính trị. Nó là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Chính nó tạo ra thành phần lãnh đạo bất tài, tham lam và vô trách nhiệm. Chính nó tạo ra nền giáo dục tệ hại khiến nguồn nhân lực của đất nước bị hạn chế nghiêm trọng. Tuy nhiên, đây được xem là “ngôi đền thiêng” không được đụng đến. Mà không đụng đến ngôi đền ấy, kỷ nguyên vươn mình chỉ là nhiệm vụ bất khả thi.
Thái Hà-Thoibao.de