Trong những tuần gần đây, chính trường Việt Nam chứng kiến một loạt quyết định phong tướng cấp cao đáng chú ý, diễn ra song song giữa hai lực lượng Công an và Quân đội trong bối cảnh Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14 đang đến gần.
Động thái này được cho là màn chạy đua âm thầm nhưng quyết liệt giữa hai phe quyền lực nhất, đó là phe Công an do Tổng Bí thư Tô Lâm cầm đầu, và phe tướng lĩnh Quân đội với sự dẫn dắt của Đại tướng Phan Văn Giang.
Việc phong tướng dồn dập, về bản chất, đây là những bước đi chiến lược nhằm cài cắm, củng cố lực lượng, và chuẩn bị cho những đòn quyết định sắp tới trong cuộc đua giành quyền lãnh đạo tối cao của Đảng của cả 2 phe.
Việc hàng loạt nhân vật thân tín với ông Tô Lâm trong ngành Công an, mà đa phần có nguồn gốc từ Hưng Yên được phong hàm, bổ nhiệm giữ các vị trí then chốt tại các địa phương chiến lược trọng điểm như Thanh Hóa, Hải Phòng…
Điều này được giới phân tích nhận định là sự chuẩn bị nhân sự chiến lược nhằm kiểm soát các đầu mối chính trị và an ninh tại các địa phương quan trọng, nhằm củng cố thế lực nội bộ cho phe Công An trong Đại hội 14 sắp tới.
Tuy nhiên, không hề kém cạnh, ngày 13/7 vừa qua, Chủ tịch nước Lương Cường đã ký quyết định thăng quân hàm từ Thượng tướng lên Đại tướng đối với ông Trịnh Văn Quyết – Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội.
Cùng với đó, là 4 tướng lĩnh khác gồm Nguyễn Hồng Thái, Nguyễn Văn Hiền, Nguyễn Trường Thắng và Nguyễn Quang Ngọc đều được thăng từ Trung tướng lên Thượng tướng. Đây là tín hiệu rõ ràng cho thấy Quân đội đang chủ động nâng tầm vị thế của mình trước thềm Đại hội 14.
Và việc phong hàm cho các tướng lĩnh then chốt trong Quân Đội được xem như động thái bảo vệ “trận địa chính trị” của phe Quân đội trước sự lấn át ngày càng trắng trợn của phe Công an – vốn đang được Tổng Bí thư ưu ái đặc biệt.
Những động thái phong tướng quy mô lớn diễn ra liên tiếp và gần nhau, đã khiến công luận phải đặt câu hỏi: Phải chăng đây là biểu hiện của một cuộc “so găng” giữa hai thế lực chính trị mạnh nhất của hệ thống Chính trị của Việt nam?
Trên thực tế, kể từ sau khi ông Tô Lâm trở thành Tổng Bí thư, mối quan hệ giữa phe Công an và phe Quân đội được cho là không còn “ấm êm” như trước đây – dưới thời của ông Nguyễn Phú Trọng.
Với lý do, Tổng Bí thư Tô Lâm đang tìm mọi cách để thâu tóm quyền lực tuyệt đối, thông qua việc đưa người thân tín vào các vị trí chiến lược. Mặt khác, phe tướng lĩnh Quân đội cũng đang nỗ lực “cân bằng quyền lực” để tránh thế độc tôn của Phe Công an.
Theo giới thạo tin nội bộ, lý do phe Quân đội vẫn tiếp tục nỗ lực chạy đua với phe Công an bất chấp việc Phó Thủ tướng Trung Quốc Vương Nghị được cho là đã “bật đèn xanh” ủng hộ cho ông Tô Lâm trở thành Tổng Bí thư sau Đại hội 14, bởi 2 yếu tố cốt lõi:
Thứ nhất, Phe Quân đội hiểu rằng sự ủng hộ của Trung Quốc chỉ là mang tính chiến thuật, không mang tính cam kết vĩnh viễn. Bắc Kinh chọn “ngựa tốt”, nhưng nếu Tô Lâm mất đà hoặc bị dư luận phản đối mạnh, họ sẵn sàng rút lại. Do đó, Quân đội không thể ngồi yên trông đợi kết cục phụ thuộc vào bên ngoài.
Thứ 2 là, việc ông Tô Lâm vẫn dồn người thân tín vào các vị trí chủ chốt đã khiến phe Quân đội lo ngại mô hình độc tôn quyền lực sẽ hình thành. Khi đó, phe Quân đội sẽ bị phe Tô Lâm gạt ra ngoài vị thế trung tâm quyền lực.
Tóm lại, dù có vẻ như Bắc Kinh sẽ nghiêng về phía ông Tô Lâm, nhưng phe Quân đội không tin vào thế cờ đó. Họ đang chuẩn bị cho mọi khả năng, cho cái gọi là kịch bản cú “đảo chiều” vào phút chót trước thềm Đại hội 14 sẽ diễn ra vào đầu năm 2026. Chúng ta hãy chờ xem!
Trà My – Thoibao.de
”