Ngày 15/8, báo chí dậy sóng về một vụ bắt cóc một bé trai 7 tuổi để đòi tiền chuộc 15 tỷ đồng. Sự việc xảy ra trên địa bàn phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội. Kẻ bắt cóc sau đó cũng bị tóm, người này có tên là Nguyễn Đức Trung (31 tuổi, trú tại huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc). Báo Giao Thông cho biết, người này là được xác định là cán bộ tham mưu, Phòng Cảnh sát Giao thông Công an Vĩnh Phúc, cấp bậc Thượng uý.
Thông tin này sau đó bị sửa lại, báo Giao Thông gỡ đi cụm từ “cán bộ tham mưu, Phòng Cảnh sát Giao thông Công an Vĩnh Phúc, cấp bậc Thượng uý” ra khỏi bài báo. Như là một phản xạ tự nhiên, những gì xấu xa có liên quan đến chính quyền thì báo chí tự kiểm duyệt. Với những cô tiếp viên bán vốn tự có, thì họ bêu rếu tên tuổi, nhưng với gã cảnh sát ra tay bắt cóc thế này, báo chí lại bao che.
Chúng tôi đã đề cập nhiều lần về việc lực lượng công an dưới tay Tô Lâm đã gây ra quá nhiều hành động phạm pháp. Chính ông Tô Lâm chủ trương chính sách bắt cóc người ở hải ngoại, mang về Việt Nam xử lý, thì rất khó xây dựng một lực lượng công an có kỷ cương, biết tôn trọng phép nước, biết thượng tôn pháp luật.
Hình ảnh người công an Việt Nam lâu nay đã không còn gì tốt đẹp trong mắt người dân. Thảm bại đến mức, họ phải dàn dựng những cảnh giúp cụ già qua đường, giúp dân gặt lúa, giúp học sinh ngủ nướng đến trường cho kịp giờ thi vv.. Thật là mỉa mai cho cái gọi là lực lượng “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.
Một cựu tù nhân lương tâm cho chúng tôi biết, trong phòng điều tra, viên công an nói với anh rằng, “bọn tao khốn nạn thế đấy, chà đạp luật pháp thế đấy, bọn mày làm gì được bọn tao?” Nghĩa là, trong bốn bức tường khép kín của phòng điều tra, Công an Cộng sản không ngại vứt bỏ hết bộ mặt giả tạo “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, để thể hiện bộ mặt thật côn đồ trắng trợn.
Ngành công an dù được 800 trong tờ báo hết lời bênh vực, tâng bốc, nhưng 800 tờ báo cũng không thể che kín được hết những sự xấu xa, những tội lỗi của lực lượng này. Qua cách hành xử của báo chí đối với vụ Thượng úy Công an Nhân dân Nguyễn Đức Trung, bắt cóc trẻ em đòi tiền chuộc, thì nó nói lên một điều rằng, báo chí Cách mạng cũng làm việc khốn nạn, như lực lượng công an vậy. Họ bao che cho cái xấu.
Năm 2015, báo chí từng dậy sóng về con số 226 người chết trong các trại tạm giam, tạm giữ, tại các đồn công an, trong vòng 3 năm. Thông tin này cho thấy sự tàn bạo của lực lượng công an. Tuy nhiên, những năm sau đó, báo chí không còn công bố con số người chết khi bị tạm giam, tạm giữ nữa. Có lẽ, cách hành xử này cũng giống với vụ Thượng úy Nguyễn Đức Trung bắt cóc trẻ em. Họ sợ làm “xấu mặt” ngành công an.
Chưa có lực lượng cảnh sát nào trên thế giới mà được học đủ thứ đạo đức như Công an Việt Nam. Công an Việt Nam học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, được học “6 điều Bác Hồ dạy” vv… Tuy nhiên, khái niệm đạo đức đối với người công an vẫn là thứ xa xỉ thực sự. Tìm được một công an tử tế thật quá khó.
Nhà nước Công an trị là nhà nước dùng bạo lực để trị dân. Phần ngân sách mà Trung ương dùng cho ngành công an rất lớn cũng nói lên điều đó, nó gấp 16 lần ngân sách cho Bộ Giáo dục. Khi muốn làm cho dân sợ, thì phải tạo cho dân cảm giác mất an toàn, dù có hành xử đúng luật thì cũng bị tóm, nếu không nghe lời chính quyền.
Ông Tô Lâm đã xây dựng một lực lượng công an theo cách như vậy. Cho tới nay, Đảng Cộng sản đang rất thành công với chính sách của họ, bởi thực tế, đa phần người dân Việt Nam đều sợ hãi. Còn những người ngang bướng không biết sợ, thì đã bị Tô Lâm bắt vào tù, bất chấp người đó có không vi phạm pháp luật hay không.
Bản chất của Công an Việt Nam là thế, Nguyễn Đức Trung chỉ là phần nổi, còn thành phần “ẩn mình” trong lực lượng “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” này nhiều lắm.
Thu Phương – (Tổng hợp)