Tổng Trọng còn muốn biến pháp đình Việt Nam trở thành sân khấu hài đến bao giờ?

Ngày 3/1/2024, Tòa án Hà Nội sẽ mở phiên tòa để xét xử 38 bị cáo trong vụ án “Công ty Việt Á nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19”. Theo dự kiến, phiên tòa sẽ kéo dài khoảng 20 ngày.

Trong số 38 người bị truy tố, có nhiều cựu quan chức cao cấp, như 2 cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh; cựu Bí thư Hải Dương, cựu Uỷ viên Trung ương Đảng Phạm Xuân Thăng. Ngoài ra, còn có nhiều quan chức lãnh đạo khác, thuộc Bộ Y tế, Bộ Khoa học Công nghệ, cũng như các giám đốc, cán bộ của CDC các tỉnh, thành phố liên quan.

Các bị cáo trong vụ án này đã bị truy tố và đưa ra xét xử về các tội danh, “đưa hối lộ; nhận hối lộ; vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.”

Dư luận xã hội trước phiên xử cho rằng, đại án Việt Á chưa xét xử, nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tìm mọi cách để giải cứu các quan tham.

Dựa trên kết quả 2 ngày đầu xét xử phúc thẩm vụ án “chuyến bay giải cứu”, theo tường thuật của truyền thông nhà nước, giới quan sát nhận xét, có nhiều dấu hiệu bất thường về việc chạy tội “trắng trợn” cho các quan chức phạm tội, bất chấp công luận.

Cụ thể:

  1. Cựu Điều tra viên Hoàng Văn Hưng bất ngờ nhận tội và nộp lại 18,8 tỷ đồng, lập tức được đề nghị giảm, từ chung thân xuống 20 năm. Lý do mà đại diện Viện Kiểm sát đưa ra, là Hoàng Văn Hưng đã thừa nhận hành vi của mình, thể hiện sự ăn năn hối cải. Vẫn theo Viện Kiểm sát, bị cáo Hoàng Văn Hưng đã thay đổi nội dung kháng cáo, từ kêu oan sang xin giảm nhẹ hình phạt, và cung cấp thêm một số tình tiết giảm nhẹ, như có 2 bác ruột là liệt sĩ.
  2. Đáng chú ý, mặc dù không có kháng cáo, nhưng cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn vẫn được Viện Kiểm sát “chủ động” đề nghị giảm án thêm từ 6 đến 12 tháng tù.

Theo Viện Kiểm sát, bị cáo Hoàng Văn Hưng đã thừa nhận hành vi phạm tội và khắc phục toàn bộ hậu quả. Đây là thành tích, công sức rất lớn của bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, đã giúp cho hậu quả của vụ án được khắc phục, nên được xem xét giảm án.

  1. Với cựu Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng, Viện Kiểm sát thấy rằng, bị cáo đã đưa ra các tình tiết giảm nhẹ, bản thân bị cáo có nhiều bằng khen, giấy khen và đã thực hiện xong nghĩa vụ “khắc phục hậu quả”. Đồng thời, Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao có văn bản xin tòa giảm nhẹ hình phạt. Kết quả, Viện Kiểm sát phân tích và đề nghị chấp nhận kháng cáo, giảm “một mạch” từ 16 năm tù xuống còn 12-13 năm tù.
  2. – Đối với bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, phiên sơ thẩm khẳng định, bị cáo Lan đã chủ động tạo áp lực với đối tác, ép họ phải đưa hơn 20 tỷ đồng tiền hối lộ, và Tòa sơ thẩm đã tuyên án chung thân.

Nhưng tại phiên toà phúc thẩm chiều 25/12, Viện Kiểm sát lấy lý do bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan và gia đình đã cung cấp thêm một số tình tiết giảm nhẹ, như gia đình có công với Cách mạng; có văn bản của Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao xin giảm nhẹ hình phạt; và bị cáo cũng đã thành khẩn nhận tội, vì vậy, Viện Kiểm sát đã đề nghị Tòa phúc thẩm chấp nhận kháng cáo, đề nghị giảm án từ chung thân 20 năm tù. Mặc dù, bị cáo Lan nhận hối lộ 25 tỷ đồng, nhưng đến nay mới khắc phục hậu quả 1 tỷ đồng. Cũng không thấy Viện Kiểm sát đề cập đến việc bà Lan “khắc phục hậu quả” ra sao?

  1. Theo giới quan sát, người được cho là “thiệt thòi” nhất trong vụ chuyến bay giải cứu, đó là bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. Bị cáo Kiên vẫn bị Viện Kiểm sát đề nghị tuyên y án chung thân. Lý do mà Viện Kiểm sát đưa ra là, Phạm Trung Kiên có hành vi vòi vĩnh, nhận hối lộ nhiều lần nhất (253 lần), với số tiền đặc biệt lớn lên đến 42,6 tỷ đồng, nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo.

Được biết, Phạm Trung Kiên và gia đình nộp đầy đủ tiền khắc phục hậu quả, tổng số 43 tỷ, nhưng đại diện Viện Kiểm sát vẫn không chấp nhận kháng cáo. Trong khi, bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan nhận hối lộ hơn 25 tỷ đồng, nhưng mới khắc phục hậu quả được 1 tỷ, vẫn được đề nghị giảm án từ chung thân xuống còn 20 năm. Việc luận tội khác nhau “một trời một vực” giữa 2 bị cáo Phạm Trung Kiên và Nguyễn Thị Hương Lan của Viện Kiểm sát, khiến công chúng chỉ biết lắc đầu.

Xin nhắc lại, theo quy định của pháp luật, việc nộp lại tiền do bị cáo phạm tội mà có là điều bắt buộc, không được sử dụng làm tình tiết để giảm án.

Công luận thấy rằng, phiên xử phúc thẩm vụ án “chuyến bay giải cứu” đã cho thấy, toà án không khác gì một sân khấu hài kịch, cười ra nước mắt về sự tùy tiện của những kẻ thực thi luật pháp. Và một điều rất rõ, vụ án này đã bị ma lực của đồng tiền chi phối.

Đại án Việt Á tới đây rồi cũng đi theo vết xe đổ này./.

Trà My – Thoibao.de

27.12.2023

Kasse animation 7.8.2023