Ngày 8/1, RFA Tiếng Việt loan tin “VinFast đưa tin mở rộng đầu tư sau khi Chủ tịch Phạm Nhật Vượng nắm chức mới”.
Theo đó, hãng xe điện VinFast cho biết, họ có kế hoạch chi ra 2 tỷ USD để xây dựng một nhà máy xe hơi điện tại Ấn Độ. Đây là thị trường xe hơi lớn thứ 3 toàn cầu về doanh số bán.
RFA dẫn một nguồn tin quốc tế, ngày 8/1 nêu rõ, nhà máy của VinFast như vừa nêu, sẽ được đặt tại bang Tamil Nadu ở miền nam nước Ấn. Thông tin vừa nêu được đưa ra, sau khi ông Phạm Nhật Vượng – vào ngày 6/1 – chính thức chuyển từ vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị VinFast sang làm Tổng Giám đốc điều hành phụ trách sản xuất & bán hàng toàn cầu, thay thế bà Lê Thị Thu Thủy. Bà này về làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị VinFast.
Theo RFA, VinFast cho biết, hãng cam kết đầu tư 500 triệu USD cho giai đoạn đầu xây dựng, và kế hoạch chuyển đổi khu vực quanh thành phố cảng Thoothukudi thành một “trung tâm sản xuất xe hơi điện hàng đầu”. Nhà máy của VinFast tại đó sẽ có công suất 150.000 xe mỗi năm. Tuy nhiên hãng không cho biết thêm chi tiết cụ thể nào khác.
RFA cho biết, kế hoạch vừa nêu sẽ là cuộc thâm nhập đầu tiên của VinFast vào thị trường Ấn Độ, và cũng nằm trong công cuộc mở rộng toàn cầu của hãng này; trong đó, có thị trường Hoa Kỳ – nơi VinFast đang đầu tư xây dựng nhà máy xe hơi điện tại bang North Carolina, và dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất trong năm nay.
RFA cũng cho hay, vào tháng 10 vừa qua, VinFast cũng thông báo kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất xe hơi điện tại Indonesia, trị giá 400 triệu USD.
Hãng đã bắt đầu chuyển xe hơi điện sang Lào để chạy taxi xanh. Một kế hoạch tương tự cho thị trường Campuchia vừa qua, theo truyền thông Xứ Chùa Tháp, đã bị Thủ tướng Hun Manet bác bỏ, khi Chủ tịch Phạm Nhật Vượng đề nghị với ông trong chuyến thăm Hà Nội vào tháng 12 năm ngoái.
VinFast nhắm đến bán xe của hãng ra 50 thị trường trên thế giới vào cuối năm nay.
RFA cho biết thêm, vào năm 2023, VinFast niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng trên thị trường chứng khoán Nasdaq, Hoa Kỳ. Lúc đầu, giá trị cổ phiếu của VinFast được thổi lên gấp nhiều lần, tuy nhiên, vào đầu tháng 1 vừa qua, cổ phiếu VinFast (mã VFS) giảm chỉ còn 7,05USD/cổ phiếu.
Cụ thể, cổ phiếu VFS của VinFast ra mắt thị trường trên sàn Nasdaq ngày 15/8 với giá chào sàn là 22 USD. Cổ phiếu VFS nhanh chóng tăng lên đến 93 USD/cổ phiếu vào 28/8, được báo chí Việt Nam ca ngợi là “bùng nổ”, là “tăng sốc”, “mạnh mẽ”… Nhưng ngay sau đó, VFS đã rơi vào một chuỗi ngày rớt giá thê thảm, bị gọi là “tuột dốc không phanh”, “rơi tự do”… xuống đến đáy là 4,59 USD/cổ phiếu trong tháng 10/2023.
Trước những động thái lạ của VFS, vào tháng 11/2023, một công ty luật tại Mỹ đã công bố tổ chức một cuộc điều tra, nhắm vào hành vi gian lận của VinFast trên sàn chứng khoán Nasdaq, như việc cung cấp thông tin không đầy đủ hoặc thông tin gây hiểu lầm cho nhà đầu tư chứng khoán tại Hoa Kỳ hay không. Nếu tìm được những bằng chứng này, họ sẽ khởi kiện VinFast.
Việc VinFast niêm yết cổ phiếu trên sàn Nasdaq cũng không có gì đáng hãnh diện, khi hãng này phải niêm yết thông qua một công ty SPAC, gọi là công ty “séc trắng”, được thành lập với mục đích mua lại đặc biệt. Nghĩa là, VinFast không đủ điều kiện để tự nộp hồ sơ IPO tại Mỹ, nên phải dựa vào một công ty đã niêm yết sắn trên thị trường.
Ngoài ra, RFA cho hay, VinFast phải chật vật để bán xe hơn điện tại thị trường Hoa Kỳ, khi mà những lô xe đầu tiên nhận phải những nhận định xấu từ giới chuyên môn. Tuy vậy, hãng kiên trì cho rằng, nếu thành công được ở Mỹ, sẽ thành công tại những nơi khác.
Thu Phương – thoibao.de
8.1.2024