Trong những năm vừa qua, các tập đoàn Trung Quốc tham gia rất nhiều những dự án hạ tầng ở Việt Nam. Điển hình là dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông – một hạng mục đầy tai tiếng.
Đã có nhiều nghi vấn về số tiền % lại quả từ nhà thầu Trung Quốc, Tiến sĩ, chuyên gia Kinh tế Lê Đăng Doanh từng khẳng định, “nhà thầu Trung Quốc sẵn sàng lại quả cho các đối tác Việt Nam từ 25 – 30 % tổng giá trị của dự án, thậm chí họ trả “lại quả” bằng tiền mặt!”
Được biết, các cán bộ quản lý của phía Việt Nam liên quan đến dự án Đường sắt Cát Linh – Hà Đông, phần lớn đều “há miệng mắc quai”. Đó là lý do vì sao, dự án này đã bị trì hoãn nhiều lần, được đánh giá là “biểu tượng trễ hẹn và đội vốn”, qua 5 đời Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải; với thời gian xây dựng lên tới 10 năm; và đội vốn từ 552,8 triệu USD ban đầu, tăng lên đến 868,04 triệu USD.
Mới nhất, truyền thông nhà nước đưa tin: “Hà Nội lại bắt tay với Trung Quốc xây tuyến metro Văn Cao – Hòa Lạc”.
Báo Lao Động ngày 18/1 đưa tin, với tiêu đề “Hà Nội tập trung xây dựng cầu Tứ Liên và tuyến đường sắt đô thị số 5”. Bản tin cho biết, ngày 18/1, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và Tập đoàn Xây Dựng Thái Bình Dương của Trung Quốc, đã ký kết Bản ghi nhớ “Hợp tác nghiên cứu đầu tư, xây dựng một số dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố”.
Theo Bản ghi nhớ này, các bên liên quan đã “thống nhất hợp tác”, tập trung vào 2 dự án: Xây cầu Tứ Liên và tuyến đường sắt đô thị số 5, đoạn Văn Cao – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc.
– Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, với tổng chiều dài tuyến khoảng 11,5km. Bắt đầu từ nút giao Nghi Tàm, đến nút giao Vành đai 3 (cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên); cầu Tứ Liên với quy mô chiều dài 2,924km, trong đó cầu chính dài 1km, quy mô mặt cắt ngang theo quy hoạch, bảo đảm 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp và 2 làn đi bộ… Dự án cầu Tứ Liên tổng mức đầu tư ước khoảng 20.000 tỷ đồng.
– Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 5, đoạn Văn Cao – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc. Quy mô tiêu chuẩn đường đôi, điện khí hóa với chiều dài 38,43km (gồm 6,5km đi ngầm, 2km đi cao và 29,93km đi trên mặt đất), 21 ga và 2 khu Depot. Với tổng mức đầu tư ước chừng khoảng 65.000 tỉ đồng.
Điều đáng chú ý, báo Nhân Dân ngày 23/4/2023 đưa tin về cuộc gặp, được gọi là “chào xã giao” của Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam – ông Hùng Ba, với lãnh đạo thủ đô Hà Nội. Theo đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã bày tỏ, “Hà Nội mong muốn phía Trung Quốc tiếp tục triển khai dự án đường sắt đô thị Hà Đông – Xuân Mai, dựa trên kinh nghiệm dự án Cát Linh – Hà Đông”.
Phát biểu này của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, đã khiến cho công luận hết sức lo ngại rằng, 2 dự án “Xây cầu Tứ Liên và tuyến đường sắt đô thị số 5 (tuyến metro số 5)”, sẽ đi theo vết xe đổ của dự án Đường sắt Cát Linh – Hà Đông trước đây, và Việt Nam lại tiếp tục rơi vào bẫy nợ của Bắc Kinh.
Theo Facebooker Kim Van Chinh, cựu giảng viên của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trong một status đã đưa ra đánh giá mang tính cảnh báo, rất đáng quan tâm:
“TRUNG QUỐC SẼ ĐIỂM HUYỆT HÀ NỘI?
- Tại sao 2 dự án lớn là cầu Tứ Liên và đường sắt – metro Văn Cao – Hòa Lạc, vốn [ngân sách nhà nước] Việt Nam, chưa duyệt, chưa đấu thầu, mà báo Công an đã bô bô là Trung Quốc sẽ làm?
- Xem bản đồ ta thấy, sau này, chắc chắn sẽ nối Văn Cao sang cầu Tứ Liên bằng cầu vượt Hồ Tây. Hồ Tây là trung tâm Hà Nội, phong thuỷ của nó là yếu huyệt.
Để Trung Quốc điểm huyệt Hồ Tây như vậy, là chuyện cần tính về an ninh xã tắc, chứ không phải chuyện nhỏ nữa.”
Xin được nhắc lại, dự án Đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông do Tổng thầu EPC Trung Quốc thiết kế vào năm 2008, bắt đầu khởi công năm 2011, nhiều lần điều chỉnh vốn, đội vốn hơn 205%, bốn lần dời ngày hoạt động thương mại.
Đến giữa năm 2021, Bộ Tài chính Việt Nam phải ứng tiền từ quỹ tích lũy, để trả nợ gốc khoản vay theo cam kết của Chính phủ Việt Nam trong hiệp định ký với Trung Quốc. Được biết, theo báo cáo, kết quả kinh doanh của dự án này đã thua lỗ 160 tỷ đồng trong năm đầu tiên, khi đưa vào hoạt động.
Phản ứng của dư luận xã hội về các dự án đầu tư mới liên quan đến Trung Quốc, đa phần đều mong muốn, lãnh đạo Việt Nam cần có trách nhiệm khi ký kết hợp đồng và cần giám sát chặt chẽ khi triển khai dự án. Cần đảm bảo sự minh bạch, chặt chẽ, chất lượng tốt, và đúng thời hạn, không để bị đội vốn. Đặc biệt, phải rút kinh nghiệm về bài học của Đường sắt Cát Linh – Hà Đông trước đây, mà dư luận cho rằng, “Lãnh đạo Việt Nam đã thấy quan tài mà chưa đổ lệ?”./.
Trà My – Thoibao.de
19.1.2024