Câu phán nàng Chân dài Ngọc Trinh và bụng tham nhà quan!

Cô nàng chân dài đang bị Công an thành phố Hồ Chí Minh tạm giam Ngọc Trinh, từng làm dậy sóng xã hội với câu “không tiền cạp đất mà ăn”. Ý cô muốn nói rằng, thời buổi này mà không có tiền, thì chẳng thể nào sống nổi. Ngày nay, việc “cạp đất” không còn mang ý nghĩa là “nghèo rớt mồng tơi”, mà lại mang một ý nghĩa khác. Đó là từ chỉ những quan chức “ăn đất”, hiểu theo nghĩa bóng là nhờ “cạp đất mà ăn” nên họ rất giàu.

Hầu hết, những quyết định gây ra cảnh dân oan hiện nay đều liên quan đến đất đai. Lấy đất của dân, đền bù theo giá nhà nước rẻ bèo, thông qua các dự án do các doanh nghiệp thực hiện rồi bán ra với giá thị trường, đem lại khoản chênh lệch khổng lồ chảy vào túi quan tham và sân sau của họ. Đây là nguồn lợi được xem là vô tận của quan tham.

Kỳ họp bất thường mới đây của Quốc hội có quyết một số vấn đề liên quan đến Luật Đất đai sửa đổi. Ở kỳ họp này, người dân mong đợi Quốc hội sẽ bỏ phiếu áp thuế cao với người có nhiều bất động sản, để chống đầu cơ neo giá đất ở mức cao, và áp thuế với đất bỏ hoang để tránh lãng phí tài nguyên đất của xã hội. Tuy nhiên, Quốc hội tự xưng là “đại diện dân”, với hơn 95% là quan chức, đã quyết những điều có lợi cho thiểu số có quyền, có tiền, và tiếp tục quay lưng lại với phần đông dân chúng.

Bất động sản là một kênh mà quan chức có thể dễ dàng dùng chính sách để cướp lấy, sau đó cho phép các sân sau vào, cùng nhau phù phép để hưởng chênh lệch. Ngoài ra, khi đã đưa được đất vào tay những sân sau, thì quan chức có thể được lại quả bằng những bất động sản có giá trị. Nếu đánh thuế cao với người có nhiều bất động sản, thì quan chức và sân sau là tầng lớp chịu thiệt, bởi họ và người thân sở hữu rất nhiều bất động sản.

Hiện nay, giá nhà đất quá cao so với mức thu nhập trung bình của người dân, và không loại trừ khả năng nó sẽ tiếp tục bị đẩy lên cao hơn nữa, sau khi thị trường tan băng. Nếu là nhà nước muốn lo cho dân thực sự, thì cần phải đánh thuế mạnh vào những người sở hữu nhiều bất động sản. Chỉ khi đó, các nhà đầu cơ mới chịu bán bớt nhà đất, giúp cung cân bằng với cầu, đưa giá cả trở về mức hợp lý. Chỉ như vậy, người dân mới có khả năng với tới được giấc mơ “an cư lạc nghiệp”.

Trong Quốc hội gần 500 đại biểu, thử hỏi có bao nhiêu dân trong đó? Hết trên 95% đại biểu là quan chức, phần ngoài Đảng còn lại thì cũng là những người được hưởng nhiều ích lợi của chế độ. Vì vậy, những người ngoài Đảng trong Quốc Hội cũng chẳng mấy ai đứng về phía tầng lớp bình dân. Mà một vài trường hợp hiếm hoi đứng về phía dân, thì cũng có nguy cơ rước họa vào thân, như ông Lưu Bình Nhưỡng là ví dụ. Cho nên, để có những lá phiếu làm lợi cho dân trong chế độ này, gần như là điều không thể.

Không như Ngọc Trinh chê “cạp đất ăn”, ngược lại, “cạp đất” là món “khoái khẩu” của quan chức Cộng sản. Vì lòng tham vô độ, họ không bao giờ để cho những dự luật mà mang lại bất lợi cho họ được thông qua. Làm quan muốn giàu to, thì chỉ có “cạp đất” là mau giàu nhất.

Năm 2023 có đến hơn 5.000 doanh nghiệp bất động sản phải đóng cửa. Tình trạng đất đai bị thổi giá bao năm qua, đã khiến cho thị trường bị tắc nghẽn, không thể lưu thông được. Đối với doanh nghiệp, bán rẻ thì lỗ mà bán cao thì chẳng ai mua, đường nào doanh nghiệp cũng khốn đốn, vì thế mà hàng loạt doanh nghiệp bất động sản phải giải thể.

Doanh nghiệp nào không có thế lực chính trị đỡ đầu thì sẽ không thể trụ vững. Còn những doanh nghiệp cấu kết với thế lực chính trị, tiếp xúc với loại đất “vàng” mà giá rẻ, thì còn có thể cầm cự được. Ngoài ra, doanh nghiệp sân sau dễ vay vốn ngân hàng, vốn ưu đãi, hơn doanh nghiệp không có thân hữu trong Đảng.

Tầng lớp quan tham không thiếu tiền, nên họ có thể giữ đất đến bao lâu cũng được, họ có thể để đất hoang hàng chục năm vẫn không hề hấn gì. Và chính họ đã góp phần tạo nên sự méo mó của thị trường bất động sản hiện nay.

Tháo gỡ khó khăn cho thị trường không khó, cái khó nhất là quan tham không thể chấp nhận những điều luật gây bất lợi cho họ và những doanh nghiệp sân sau của họ.

Ý Nhi – Thoibao.de

23.1.2024