Bộ Công an cần sớm đặt “chính danh” cho thẻ định dạng công dân!

Tính chính danh cho một thẻ định danh

Ngày 14/2, báo Tiếng Dân có bài bình luận “Tính chính danh cho một thẻ định danh” của tác giả Mai Bá Kiếm.

Đây là bài viết bình luận về việc Bộ Công an liên tục thay đổi các mẫu thẻ cá nhân cho công dân, khiến cả cơ quan công quyền, doanh nghiệp và người dân đều mệt mỏi, không chỉ vì phải chạy theo việc đổi thẻ, mà còn là những rối rắm trong các giao dịch dân sự hàng ngày. Việc đổi thẻ còn gây ra những lãng phí về các nguồn lực của xã hội, mất rất nhiều thời gian, công sức của cả lực lượng chức năng và người dân, tốn kém ngân sách nhà nước, và tiền bạc của dân.

Tệ hơn, việc này còn khiến cho Bộ Công an – cơ quan thực thi pháp luật, trở nên thiếu nghiêm túc, trở thành đối tượng mà xã hội nhạo báng, như trò hề.

Thoibao.de giới thiệu bài viết này đến quý khán thính giả, nội dung như sau:

Từ 1/7, Bộ Công an sẽ cấp mẫu căn cước mới khiến dư luận xôn xao. Nhà báo Nguyễn Thông viết: Với tên của nó là Căn Cước, đặt vậy là hết sức bậy. Đó chỉ là tính từ, không thể thành tên được. Nó phải có chữ “thẻ”, tên đầy đủ của nó phải là “Thẻ Căn Cước”, như tên tiếng Anh là “Identity card”, phải có chữ “card”.

Nhà báo Cù Mai Công viết bài “Đi đâu loanh quanh cho đời mệt mỏi”, trong đó có “mạn phép liệt kê”: Từ thời Pháp thuộc trước năm 1945 đến 1/7/2024, có 10 lần thay đổi tên, từ Thẻ Căn cước, Thẻ Công dân, Giấy Chứng minh, Giấy chứng nhận Căn cước, Giấy Chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số, Thẻ Căn cước Công dân mã vạch, Thẻ Căn cước gắn chip, Căn cước; kèm theo Sơ đồ “kiếp luân hồi của một chiếc Thẻ”.

Dư luận cho rằng, thay đổi tên thẻ vòng vèo chỉ làm tốn kém thời gian và ngân sách. Riêng tôi, tôi thấy việc thay đổi thủ tục hành chính nào cũng làm mất thời gian tiền bạc của dân.

Nhiều từ ngữ chính trị và hành chính có sai văn phạm và ngữ pháp, chứ không riêng gì chữ Căn Cước.

Thí dụ, câu “Đồng chí có vấn đề” tuy vô nghĩa, nhưng ám chỉ “đồng chí có hành vi hoặc tư tưởng trái với lập trường”. Phần cuối báo cáo tổng kết bao giờ cũng có hai mục “những mặt tích cực” và “những mặt tồn tại”. Tồn tại là cái hiện hữu (không mất đi) như “cái quần què”, vậy sao đưa vào báo cáo làm gì? Chẳng qua do không dám viết “những mặt tiêu cực”.

Mất thời gian, tiền bạc, sai ngữ pháp là thường tình, tôi chỉ lo ngại, mất gần 80 năm mà sao Công an không chọn được cái tên chính danh cho cái thẻ nhận dạng hay định danh cho công dân mình? Tôi ngại vì trong quá khứ xa xưa, mỗi danh tánh (tên gọi) của chính quyền và công an gọi cho ai, thường ẩn chứa quan điểm, lập trường của thời kỳ đó.

Thí dụ, dùng từ “địa chủ”, “phú nông” thể hiện “lập trường đào tận gốc” thời Cải cách Ruộng đất, hoàn khác “quan điểm cởi mở” với từ “chủ trang trại” ngày nay. Từ “tư sản”, “gian thương” thời cải tạo Công – Thương – Nghiệp, trái nghĩa với “doanh nhân thành đạt” ngày nay. Từ “người trốn đi nước ngoài, phản bội tổ quốc” hồi 1975 – 1989, tương phản với “Việt Kiều yêu nước, khúc ruột ngàn dặm”.

Tên gọi hay kèm định kiến, thời bao cấp có một số tên gọi là xú danh hay hỗn danh, dành cho một số thành phần trong xã hội. Nhưng đến thời mở cửa, hội nhập các xú danh, hỗn danh được điều chỉnh thành chính danh.

Định danh bằng thẻ căn cước có gắn chip hay nhận dạng bằng thẻ Chứng minh nhân dân có dấu vân tay và đặc điểm nhận dạng trong tiếng Anh, họ đều dùng một từ là IDENTIFICATION. Mong rằng, Bộ Công an sớm đặt “chính danh cho một thẻ định dạng” (hay nhận dạng) cho công dân mình.

 

Minh Vũ – thoibao.de