Quên chuyện “tứ khoái” của dân và tầm nhìn của lãnh đạo Việt Nam?
Nhu cầu không thể thiếu của mỗi con người bình thường trong cuộc sống hàng này, được gói gọn trong khái niệm “tứ khoái”.
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia đã định nghĩa: “Tứ khoái” là “khái niệm đề cập đến bốn loại “khoái lạc” của con người. Bao gồm: ăn, ngủ, làm tình và bài tiết”.
Khái niệm đơn giản này đã có từ ngàn đời, vậy mà, tuyến đường cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết có chiều dài hơn 100 km, đã đưa vào khai thác gần một năm, hoàn toàn không có nhà vệ sinh cũng như các khu dịch vụ cần thiết cho các tài xế và hành khách.
Báo Tuổi Trẻ ngày 15/2 đưa tin, “Cầu thang vượt rào qua trạm dừng nghỉ bất đắc dĩ trên cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết”. Bản tin cho biết, suốt 200km cao tốc mới, từ Dầu Giây đến Vĩnh Hảo, đã được đưa vào khai thác từ cuối tháng 4/2023 đến nay, vẫn chưa triển khai các trạm dừng nghỉ.
Những ngày Tết vừa qua, trên cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, đoạn qua huyện Hàm Thuận Bắc, xuất hiện những “lỗ rào” bất đắc dĩ. Thậm chí, có nơi làm luôn cầu thang bằng sắt vượt rào, để tài xế và hành khách trèo qua hàng rào cao tốc, vào khu đất của người dân để đi “vệ sinh 0 đồng”.
Các tài xế và hành khách lưu thông trên tuyến đường này cho biết, đi xe trong thời gian từ 5 đến 6 tiếng đồng hồ mà hoàn toàn không có trạm dừng nghỉ và các dịch vụ cần thiết để “giải quyết nỗi buồn”, là nỗi khổ lớn nhất khi qua đoạn đường này.
Việc hai bên cao tốc xuất hiện nhiều nhà “vệ sinh 0 đồng” để phục vụ hành khách, cũng như các dịch vụ cần thiết khác, là điều tất yếu. Nguyên tắc của kinh tế thị trường, ở đâu có nhu cầu, ở đó xuất hiện dịch vụ. Phải chăng, do nền kinh tế thị trường của Việt Nam bị gắn thêm cái đuôi “định hướng Xã hội Chủ nghĩa”, nên đã để xảy ra tình trạng bất hợp lý này?
Theo Điểm 3, Điều 26, Luật Giao thông đường bộ năm 2008, quy định rõ, “người điều khiển xe cơ giới di chuyển trên đường cao tốc chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định”.
Nhưng lưu thông trên một chặng đường dài tới 200 km, việc hành khách có nhu cầu trút “bầu tâm sự” là điều không thể tránh. Đối với du khách nước ngoài thì càng là điều không thể chấp nhận được.
Và vì không có trạm dừng chân, buộc các xe tham gia lưu thông phải dừng giữa đường để giải quyết vấn đề cá nhân, nên rất nguy hiểm.
Được biết, ngành Giao thông Vận tải vướng mắc trong khâu lựa chọn nhà thầu, nên chưa triển khai được các công trình trạm dừng đỗ xe và các dịch vụ cần thiết. Dự kiến, đến quý I/2025 mới có thể đưa các dịch vụ này vào khai thác và sử dụng.
Công luận đặt câu hỏi, vì sao, khi các công trình phụ trợ chưa hoàn tất, lý do gì mà Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã cho phép đưa vào khai thác tuyến cao tốc kể trên? Phải chăng, do bệnh thành tích, nên họ đã quên hay không thèm nghĩ tới nhu cầu “bài tiết” của con người.
Ông Trần Ngọc Hiền, Phó Chủ tịch huyện Hàm Thuận Bắc, nói với phóng viên báo Thanh Niên, “Đây là câu chuyện hy hữu, chưa từng gặp”. Theo đó, người dân địa phương thấy nhu cầu ăn uống, vệ sinh của tài xế và hành khách đi trên đường cao tốc là thực sự “bức thiết”, nên họ nghĩ ra cách làm này.
Trên mạng xã hội, có ý kiến phụ họa cho phát biểu vừa kể, dẫn lại câu chuyện vui về lý do vì sao “không cần có khu vệ sinh”, trong các dự án xây dựng ở Việt Nam. Chuyện rằng:
“Trong một buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp khoa thiết kế kiến trúc, một sinh viên thiết kế mẫu biệt thự đẹp 5 tầng khép kín, nhưng lại không có khu vệ sinh. Ban giám khảo thấy lạ liền hỏi lý do tại sao, chàng sinh viên đã trả lời:
– Tầng 1: Dành cho các cháu nhà trẻ và mẫu giáo. Các cháu đi vào bô nên không cần khu vệ sinh.
– Tầng 2: Dành cho các quan tham, bọn này chỉ biết ăn chứ không có nhu cầu bài tiết, nên không cần.
– Tầng 3: Dành cho các nhà giáo viên, lương quá ít không đủ ăn nên không có nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh, khỏi phải xây.
– Tầng 4: Dành cho sinh viên, sinh viên vốn nghèo, mỗi lần về nhà leo lên đến tầng 4 cũng sạch ruột rồi, vậy nên cũng không cần.
– Tầng 5: Bố trí cho văn nghệ sĩ ở, giới văn nghệ sĩ có ăn, có bài tiết, nhưng toàn lấy chất thải để tấn công lẫn nhau. Vậy xây để làm gì?”
Đó là lý do, một toà nhà 5 tầng không có toilette ở Việt Nam mà vẫn ổn.
Điều đó có liên quan gì tới việc, khi các công trình phụ trợ chưa hoàn tất, nhưng Bộ Giao thông Vận tải vẫn cho phép đưa vào khai thác tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết?
Công luận thấy rằng, lãnh đạo của một quốc gia không cần phải giỏi về mọi mặt, nhưng cần phải tầm nhìn để sử dụng các nhân sự có chuyên môn và tài giỏi để điều hành công việc một cách hiệu quả nhất.
Đã đến lúc, giới lãnh đạo Việt Nam, vì sự tồn vong, phát triển và thịnh vượng của đất nước, cần lắng nghe và học hỏi, để hành xử một cách văn minh đối hơn. Mà câu chuyện về “tứ khoái” là một vấn đề tuy nhỏ, nhưng có ý rất nghĩa lớn./.
Trà My – Thoibao.de