Tình hình bi đát của “chúa Chổm” VinFast

Tình hình bi đát của “Chúa chổm” Vinfast

Những ngày qua, báo chí quốc doanh đồng loạt đưa tin về doanh thu tỷ đô của VinFast. Tuy nhiên, thực tế thì những gì báo chí viết chỉ là một nửa sự thật, chứ không phải là sự thật. Người ta nói, một nửa cái bánh mì là bánh mì, nhưng một nửa sự thật có khi là dối trá.

Theo báo cáo tài chính của VinFast do chính Công ty này báo cáo với SEC (Uỷ ban Chứng khoán Mỹ), thì doanh thu của doanh nghiệp này khoảng 1,2 tỷ đô, nhưng lỗ ròng lên đến gần 2,4 tỷ đô. Nghĩa là, VinFast của ông Phạm Nhật Vượng phải đốt đến 2 đồng thì mới thu về được một đồng.

Cũng theo báo cáo gửi SEC, 72% doanh thu là từ lượng xe bán cho GMS – cũng là một Công ty của ông Phạm Nhật Vượng. Như vậy, số tiền lỗ thật sự của VinFast là vào khoảng hơn 3 tỷ đô la Mỹ, nhưng ông Vượng dùng bàn tay mang tên GMS để che lại một phần khoản lỗ, và cuối cùng, khoản lỗ còn lại trên báo cáo là 2,4 tỷ đô la Mỹ.

Tính từ ngày thành lập vào tháng 6/2017 đến hết năm 2023, lỗ lũy kế của VinFast là 7,2 tỷ đô la. Điều đáng nói là, tình hình làm ăn thua lỗ vẫn đang theo đà tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Năm 2020, VinFast lỗ 800 triệu đô la Mỹ; năm 2021 lỗ 1,3 tỷ đô la; năm 2022 lỗ 2,1 tỷ đô la. Đến năm 2023, dù đã dùng GMS để che bớt lỗ, nhưng VinFast vẫn còn lỗ đến 2,4 tỷ đô la Mỹ trên sổ sách.

Về nợ, tính đến hết năm 2023, nợ gộp của VinFast lên đến 8,2 tỷ đô la. Có thể nói, VinFast hiện nay là một “chúa Chổm”, không biết cách nào để thoát ra khỏi tình trạng này. Năm 2024, VinFast dự định cho mở rộng sản xuất ra các thị trường được cho là dễ thở hơn, như Ấn Độ và Đông Nam Á. Ông Vượng đã quyết định rót 500 triệu đô la cho giai đoạn đầu đầu tư nhà máy ở Ấn Độ.

Hiện đã nợ đến 8,2 tỷ đô la, và doanh thu không đủ để bù lỗ, vậy mà, VinFast vẫn phải chạy vạy để kiếm cho ra tiền về đốt tiếp.

Nếu thật sự minh bạch hoàn toàn số liệu tài chính, thì tình hình của VinFast còn ảm đạm hơn. Năm ngoái, VinFast đặt mục tiêu là năm 2024 sẽ hòa vốn, nhưng xem ra, VinFast không thể hoàn thành mục tiêu này, với cách thức đầu tư liều mạng hiện nay.

Báo chí quốc doanh có vai trò như nô bộc, Vin bảo sao thì họ viết như vậy. Họ tô vẽ ra đủ thứ hào quang sáng chói cho VinFast, mặc cho thực tế hoàn toàn xám xịt. Nhưng dù có được báo chí vẽ thế nào, thì ông Phạm Nhật Vượng vẫn phải kiếm cho được vài tỷ đô mỗi năm, để cho VinFast đốt.

Mới đây, báo chí đăng tin rằng, VinFast đang tìm cách huy động vốn từ giới đầu tư siêu giàu trên thế giới. Tuy nhiên, lấy được tiền của giới siêu giàu không dễ. Họ có đội ngũ nghiên cứu thị trường, tư vấn giỏi, và chính họ cũng là những người am hiểu sâu sắc về đầu tư, nên thường ra quyết định một cách sáng suốt. Ngoài ra, vay tiền giới siêu giàu thường phải chịu lãi suất cao, nên rủi ro cũng rất cao.

Trước đây, hãng ô tô Daewoo của Hàn Quốc có thị trường châu Á rộng lớn, có hệ thống phân phối hoàn chỉnh. Trong khi đó, Chevrolet – một thương hiệu con của GM không có chỗ đứng ở châu Á. Khi Deawoo lâm nợ, GM đã mua lại Daewoo, và sau đó biến xe Daewoo thành xe mang thương hiệu Chevrolet, và phân phối tại thị trường châu Á, thông qua hệ thống phân phối mà Daewoo đã tạo ra trước đó.

VinFast đang thua lỗ, VinFast đang đốt tiền, tuy nhiên, VinFast đã lên sàn Nasdaq và đang là công ty đại chúng tại Mỹ, VinFast cũng đang xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm tại thị trường Bắc Mỹ.

Hiện nay, một số hãng xe như BYD của Trung Quốc và hãng TaTa của Ấn Độ đang rất thành công thị trường nội địa. Mà cả 2 thị trường này đều là thị trường tỷ dân, nếu họ đặt chân lên đất Mỹ, thì cũng là cách phát triển ra thế giới. Biết đâu, họ có thể thâu tóm VinFast, để thông quan VinFast mà đặt chân lên đất Mỹ, như cách mà Chevrolet đã từng làm với Daewoo?

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023