Những bí mật đằng sau việc chi hàng chục ngàn tỷ để cứu BOT của tư nhân?

Các quan chức lãnh đạo Việt Nam nhiều lần đề nghị Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, với hy vọng nhận được sự hỗ trợ và ưu đãi về kinh tế. Nhưng đến nay vẫn không được thừa nhận.

Theo tiêu chuẩn của Chính phủ Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây, một nền kinh tế thị trường là không chấp nhận “sự can dự mạnh mẽ của nhà nước vào nền kinh tế”.

Báo Người Lao Động ngày 21/3 nêu thắc mắc “Sao phải chi 10.650 tỉ “cứu” 8 dự án BOT?”. Đây là một trong những ví dụ mới nhất, về việc nhà nước Việt Nam can thiệp vào nền kinh tế, điều đó sẽ tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng.

Bản tin của báo Người Lao Động cho biết, Bộ Giao thông Vận tải vừa có tờ trình Chính phủ, đề xuất giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc, tại 8 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, với tổng kinh phí 10.650 tỉ đồng.

Theo giới chuyên gia, đây không phải là việc mới, trước đó, việc Chính phủ Việt Nam cứu các dự án BOT diễn ra thường xuyên. Bằng chứng gần nhất là, trong kiến nghị báo cáo Chính phủ, được truyền thông nhà nước đưa tin ngày 15/5/2023, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã đề xuất chi 10.340 tỷ đồng tiền ngân sách, để mua lại 5 dự án BOT thua lỗ và mua một phần của 3 dự án BOT khác gặp khó khăn.

BOT là viết tắt của các từ tiếng Anh: Build – Operate – Transfer, có nghĩa là: Xây dựng – Vận hành – Chuyển giao. Theo đó, Chính phủ các quốc gia kêu gọi các công ty tư nhân bỏ vốn xây dựng hạ tầng trước, thông qua đấu thầu. Sau đó, các công ty này sẽ được khai thác vận hành một thời gian, rồi chuyển giao lại các công trình này cho nhà nước.

Trong nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp đều phải chịu sự chi phối của nguyên tắc “lời ăn, lỗ chịu”. Đó là lý do, các chuyên gia kinh tế đều thống nhất rằng, các dự án BOT là vốn đầu tư của tư nhân, nếu thua lỗ thì doanh nghiệp phải tự xử lý, không được cứu bằng tiền ngân sách nhà nước.

Giáo sư Đặng Hùng Võ – cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, khi trả lời đài Á Châu Tự Do (RFA), đã cho rằng:

“Đề xuất này hoàn toàn không hợp lý, bởi vì nó xuất phát điểm là một dự án BOT, mà vốn BOT tức là đầu tư bằng vốn tư nhân và được thu phí trong quá trình vận hành. Xuất phát điểm như thế nào, đã được duyệt thì phải làm đúng như thế. Ngân sách Nhà nước phải dùng vào việc khác, chứ không phải dùng để cứu BOT tư nhân. Đây là một đề xuất không những không hợp lý, mà nói thẳng là vô lý.”

Công luận thấy rằng, việc Chính phủ sử dụng vốn ngân sách nhà nước để “cứu” các doanh nghiệp tư nhân làm ăn thua lỗ, là điều không thể chấp nhận được. Hơn nữa, đây là biểu hiện mang tính “lợi ích nhóm”.

Mạng xã hội có nhiều ý kiến cho rằng, lý do Chính phủ “cứu” các dự án BOT, vì “hầu hết các dự án BOT đều có cổ phần, hay tiền góp vốn của quan chức nhà nước”. Hay “việc dùng ngân sách nhà nước để bù lỗ cho các dự án mà doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư, chỉ là một hình thức rút tiền ngân sách, để chia chác mà thôi”.

Được biết, các dự án BOT lâu nay là “mỏ tiền” cho các quan chức cấp cao của Đảng và gia đình họ. Gia đình cựu Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và vợ bé Đỗ Thị Huyền Tâm là ví dụ điển hình cho thấy, kinh doanh các dự án BOT mang lại lợi nhuận khủng ra sao?

Nhà báo Huy Đức, tức Facebooker Trương Huy San, ngày 14/9/2017 đã viết trên trang cá nhân, khẳng định rằng:

“Trước năm 2013, bà Đỗ Thị Huyền Tâm ở trong tình trạng thua lỗ, nợ nần, tới mức bị ngân hàng liệt vào danh sách kiểm soát đặc biệt. Thế nhưng, không hiểu sao “tập đoàn” của bà vẫn được giao 2 dự án BOT: Nâng cấp sửa chữa đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ; và dự án làm đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long – Mông Dương.”

Theo đó, đoạn Pháp Vân – Cầu Giẽ, giai đoạn một chỉ “cải tạo, nâng cấp”, vẫn 4 làn xe, được tính giá 1,974 tỷ đồng, hoàn thành năm 2015; giai đoạn 2, mở rộng thành 6 làn xe, 4,213 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành 2018.

Vẫn theo nhà báo Huy Đức:

“Từ chỗ nợ như Chúa Chổm, tay đã chạm tới hơi lạnh của còng số 8, chỉ cần nhận được 2 dự án BOT, các khoản nợ “nghìn tỷ” trở thành tiền lẻ. Hãy nhìn phòng khách trọc phú của vợ chồng bà Tâm hiện nay, để thấy bản chất của BOT. Tiền đấy là tiền dân, tiền của chúng ta, chứ không phải là tiền anh Đinh La Thăng.”

Đầu tháng 2/2024, đã có khoảng 30 nghị sĩ Mỹ kêu gọi chính quyền Biden không công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Nhưng ngày 21/3 mới đây, theo báo Tuổi Trẻ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị các doanh nghiệp Mỹ có tiếng nói mạnh mẽ với Chính phủ Mỹ, mong Mỹ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.

Điều này cho thấy, quan điểm của ông Chính và Ban lãnh đạo Hà Nội khác biệt 180 độ so với quan điểm của Hoa Kỳ và phương Tây, kiểu “ông nói gà, bà nói vịt”./.

Những bí mật đằng sau việc chi hàng chục ngàn tỷ để cứu BOT của tư nhân?

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023