Việt Nam luôn can thiệp thô bạo vào nền kinh tế, không thể đáp ứng tiêu chuẩn “kinh tế thị trường”

Sau một thời gian phát triển “nóng”, với mức tăng trưởng GDP luôn cao, ví dụ như tăng trưởng GDP năm 2022 là 8.02%, năm 2019 (trước dịch) là 7,02%, đến nay, kinh tế Việt Nam đang rơi vào một giai đoạn suy trầm, khủng hoảng kéo dài, chưa có lối thoát.

Vì vậy, nhà cầm quyền Việt Nam rất cần sự công nhận của Mỹ và các nước phương Tây, rằng, Việt Nam là một nền kinh tế thị trường, thể hiện qua một loạt các cuộc vận động ngoại giao của các quan chức cấp cao, trong thời gian qua.

Đơn cử, tháng 9/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kêu gọi Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo sớm công nhận Quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, trong chuyến công du Mỹ của ông; hay lời kêu gọi của Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn trong chuyến thăm Mỹ vào tháng 3 vừa qua.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Việt Nam có phải là nền kinh tế thị trường theo tiêu chuẩn của Mỹ và phương Tây hay không?

Được biết, trang web của Bộ Thương mại Hoa Kỳ ghi rõ, theo luật Hoa Kỳ, việc công nhận một nền kinh tế thị trường dựa trên quá trình phân tích 6 yếu tố, như sau:

  1. Mức độ mà đồng tiền của một nước có thể chuyển đổi thành tiền tệ của nước khác;
  2. Mức độ mà mức lương được xác định bằng sự thương lượng tự do giữa người lao động và cấp quản lý;
  3. Mức độ được phép liên doanh hoặc đầu tư của các công ty nước ngoài vào Việt Nam;
  4. Mức độ chính phủ sở hữu hoặc kiểm soát đối với tư liệu sản xuất;
  5. Mức độ kiểm soát của chính phủ đối với việc phân bổ nguồn lực cũng như các quyết định về giá và sản lượng của doanh nghiệp;
  6. yếu tố khác mà Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho là cần phải điều tra thêm, ví dụ sự hoạt động của các cơ quan hành pháp, tư pháp và lập pháp, mức độ minh bạch trong quản lý hay tham nhũng…

Trong khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi chỉ phân tích yếu tố thứ 5 – Mức độ kiểm soát của Chính phủ Việt Nam đối với việc phân bổ nguồn lực cũng như các quyết định về giá và sản lượng của doanh nghiệp.

Trước hết, cần nhắc lại, Việt Nam tự nhận là nền “kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa”, với “kinh tế nhà nước làm chủ đạo”. Điều này được ghi rõ trong Nghị quyết Đại hội IX của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ quan điểm đó, Chính phủ Việt Nam đã ưu tiên cho sự phát triển của các doanh nghiệp nhà nước, thể hiện rõ trong việc phân bổ các nguồn lực – kể cả nguồn tài nguyên, tài chính và nhân lực. Điều này có thể thấy rõ nhất ở ngành năng lượng – ngành chi phối toàn bộ nền kinh tế. Theo đó, ngành điện được giao cho Tổng Công ty điện lực Việt Nam EVN độc quyền, khai thác dầu khí được giao cho Tập đoàn dầu khí Việt Nam PVN… Hơn nữa, hiện nay, các công ty do nhà nước sở hữu chiếm khoảng 30% GDP cả nước – một tỷ lệ cực lớn.

Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của Đảng, hầu hết các tập đoàn con cưng của nhà nước này đều làm ăn thua lỗ, hài hước đến mức, chỉ đào lên để bán như Than khoáng sản Việt Nam – doanh nghiệp 100% vốn nhà nước – mà cũng thua lỗ liên miên. Đến mức, báo Người Lao Động ngày 17/2/2023 phải thốt lên rằng “Đào than lên bán mà TKV nợ đến 74.000 tỷ, ai tin?”. Ơ hay… đến “người nhà nước” mà còn không tin, thì dân chúng tôi tin thế nào!!!

Nhưng, bất chấp việc hàng loạt tập đoàn nhà nước làm ăn bết bát, tham nhũng tràn lan, Chính phủ Việt Nam vẫn không để cho bất kỳ một công ty/ tập đoàn nào phá sản. Có lẽ, họ cho rằng, để những con cưng của họ – những “quả đấm thép” đã mục nát – phá sản, là điều rất mất mặt, là điều xấu hổ nhục nhã chăng? Hay họ cảm thấy, nếu để những con cưng này phá sản, thì sẽ mất đi vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước đối với nền kinh tế? Thế là, nhà cầm quyền tìm cách cơ cấu lại, đem nợ bên này đẩy qua bên kia, hoặc thậm chí là lấy tiền thuế của dân ra để bù lỗ.

Ví dụ, khi cơ cấu lại các tập đoàn lớn, đã bị rút cho rỗng ruột hoàn toàn, như Vinashin hay Vinaline, nhà nước giao cho Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) mua lại các khoản nợ lên đến hàng trăm triệu đô la của các doanh nghiệp này. Nhưng thực chất, DATC cũng là một công ty nhà nước, trực thuộc Bộ Tài chính. Như vậy, tiền để DATC mua lại nợ, thực chất là tiền nhà nước – mà chính xác hơn là tiền thuế của dân.

Mặt khác, giá hoặc khung giá một số mặt hàng do nhà nước quyết định, ví dụ: giá điện, giá xăng, giá viễn thông… chứ không theo quy luật cung cầu của thị trường. Có nghĩa là, bàn tay của nhà nước đã can thiệp rất sâu vào nền kinh tế, chứ không phải chỉ điều tiết bằng chính sách và pháp luật. Ngay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong bài viết “Kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa: Quan niệm và giải pháp phát triển”, đăng trên Tạp chí Cộng sản ngày 20/1/2007, cũng thừa nhận:

“Kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước bằng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách, pháp luật, và bằng cả sức mạnh vật chất của lực lượng kinh tế nhà nước.”

Như vậy, chỉ riêng một yếu tố về “mức độ kiểm soát của chính phủ” đối với nền kinh tế, trong tổng số 6 yếu tố theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ, thì nền kinh tế Việt Nam đã không đủ điều kiện để được công nhận là “nền kinh tế thị trường”.

 

Chúc Anh – thoibao.de