Chính trường Việt Nam sẽ còn dậy sóng

Ngày 24/5, RFA Tiếng Việt có bài “Chính trường Việt Nam sẽ còn nhiều biến động ở “trận chung kết”’, phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Văn Chữ về diễn biến của cuộc chiến tranh giành quyền lực hiện nay.

Theo đó, sau khi Bộ Chính trị Việt Nam bầu bổ sung 4 thành viên hôm 17/5, ông Tô Lâm – người đã rời vị trí Bộ trưởng Bộ Công an vào hôm thứ Tư (22/5), được Quốc hội Việt Nam bầu làm Chủ tịch nước. Ông Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an nắm quyền điều hành Bộ này. Hiện Việt Nam chưa chính thức bầu ai thay thế Đại tướng Tô Lâm trên cương vị Bộ trưởng Công an. Nhiều nhà quan sát chính trị Việt Nam cho rằng, sắp tới, chính trường Việt Nam còn nhiều biến động gay cấn thú vị nữa.

Trả lời RFA, Giáo sư Chữ cho rằng, nếu so sánh cuộc đua lên vị trí thượng đỉnh của chính trị Việt Nam hiện nay như một “giải đấu”, thì “giải đấu” đã qua “vòng bán kết”, đi dần vào “trận chung kết”.

Theo ông Chữ, có 4 vấn đề cần quan sát ở trận chung kết này: Ai sẽ là Bộ trưởng Công an; các thành viên của Bộ Chính trị; quan hệ với Mỹ – Trung Quốc; và cuối cùng là ảnh hưởng của “giải đấu” này tới nền kinh tế.

Giáo sư Chữ dự đoán, giải đấu sẽ kết thúc trong vòng 1 năm tới, và từ đây đến đó, nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Vấn đề thứ nhất là ai sẽ là Bộ trưởng Bộ công an” – ông Chữ đề cập.

“Nếu Bộ trưởng Công an là “đàn em” của ông Tô Lâm thì sao? Mình biết là không có người Cộng sản nào có thể trung thành với chủ. Vì cái cấu trúc thể chế khiến người ta phải như vậy. Ít nhất, trong một khoảng thời gian nào đó, thì người đàn em vẫn phải trung thành với đàn anh, nhưng điều đó không thể kéo dài lâu.” 

“Thứ hai là, trong kỳ bầu cử bổ sung Bộ Chính trị vừa rồi, lấy thêm 4 người (Lê Minh Hưng, Nguyễn Trọng Nghĩa, Đỗ Văn Chiến, Bùi Thị Minh Hoài), thì 2 người là của ông Trọng, 2 người thì trung dung. Người bên quân đội được kéo vào thêm để cân bằng người của bên công an. Thành ra, nếu đưa ra biểu quyết, thì ông Tô Lâm có thể bị thua. Cho nên, một trong 2 “con hổ” này sẽ phải ra đi” – Giáo sư Chữ cho biết thêm.

Ông Chữ tiếp tục đề cập đến vấn đề thứ ba cần quan sát – xoay quanh “trận chung kết” giành ghế này là Trung Quốc và Mỹ. Giáo sư Chữ nêu quan điểm:

“Họ có muốn can thiệp không? Theo tôi, Trung Quốc không quan tâm vì ở Việt Nam, ông nào thắng thì cũng không bỏ họ được”, “cái vấn đề nữa là Mỹ. Tôi không biết Mỹ có can dự không.” 

Giáo sư Chữ bình luận: “Trung Quốc đeo bám Việt Nam trong dài hạn. Họ luôn phải cài người vào đó, họ rỉ tai, họ thắt chặt rất lâu. Hồ Chí Minh nói “vì lợi ích trăm năm trồng người” thì đó chính là điều học từ Trung Quốc. Còn Mỹ thì cần gì thì mua, trao đổi, trong một giai đoạn nhất định, xong rồi thì thôi.” 

“Cách ngoại giao của Mỹ do đó không phù hợp với Á châu. Ở Á châu, muốn làm gì thì phải gặp người đó, xây dựng quan hệ trước, rồi mới nói chuyện cộng tác. Còn Mỹ thì mua. Họ mua năm đồng không được thì trả 10 đồng. Đó là cách ngoại giao “trực thăng vận” kiểu Mỹ.”

Về vấn đề thứ tư của “trận chung kết, ông Chữ cho rằng: “Vấn đề thứ tư là kinh tế. Trận chung kết này sẽ kéo dài trong khoảng dưới một năm, và nó sẽ ảnh hưởng rất tệ hại đến nền kinh tế.” 

“Trong cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung đó, Việt Nam hiện nay vẫn còn đóng vai trò một phần nào trong chuỗi cung ứng của thế giới. Nhưng mỗi năm đi qua, thì vai trò của Việt Nam lại càng giảm dần.”  

Một vấn đề nữa mà Giáo sư Chữ lưu ý, đó là: “dù bên nào thắng đi nữa, thì vấn đề tham nhũng vẫn tiếp tục. Bên nào thắng thì Việt Nam vẫn tiếp tục vi phạm các cam kết quốc tế về nhân quyền, từ đó ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế”.  

Cuối cùng, về thị trường chứng khoán, Giáo sư Chữ cho rằng, đó là cái cửa sổ để nhìn vào tương lai.

“Nó xuống rất mạnh. Và các nhà đầu tư ngoại quốc đã bán hơn 2 tỷ đô la để rút khỏi thị trường Việt Nam. Đó là điều tôi muốn nói. Ảnh hưởng của chính trị tới kinh tế rất nặng.” 

“Nếu nhìn vào thị trường chứng khoán thì có thể thấy ngay, chứ không cần chờ đợi. Vì phản ứng của thị trường chứng khoán là phản ứng trực tiếp và nhanh chóng trước các biến động chính trị” – vẫn theo Giáo sư Chữ.

 

Ý Nhi – thoibao.de