Vì sao Tô Chủ tịch thay cho Tổng Trọng, cũng chỉ là “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”?

Chủ tịch nước Tô Lâm bất ngờ giành chiến thắng trong việc đưa Thượng tướng Lương Tam Quang ngồi vào ghế tân Bộ trưởng Bộ Công an. Đây là một thắng lợi có ý nghĩa hết sức quan trọng, để củng cố quyền lực cho ông Tô Lâm.

Điều đó cho thấy, ông Tô Lâm có thể tiếp tục cái gọi là chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, để loại trừ tất cả những ai dám cản đường ông tiến tới ghế Tổng, mà ông Trọng chắc chắn sẽ phải rời khỏi, trong thời gian tới đây.

Ông Trọng và phe cánh của ông nắm số phiếu biểu quyết trong Bộ Chính trị lên tới 14/16, trừ 1 phiếu của ông Tô Lâm và 1 phiếu có thể là của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Vậy, tại sao, Chủ tịch nước Tô Lâm vẫn giành được chiến thắng ngoạn mục, để trở thành nhân vật nắm quyền lực gần như hàng đầu, để dẫn dắt cũng như chi phối Đảng và chính quyền?

Trước Hội nghị Trung ương 9, khóa 13, phe ông Trọng đã cố tạo ra luồng dư luận, khẳng định rằng, cựu Bộ trưởng Công an Tô Lâm không có đủ phẩm chất và đạo đức, để làm người đứng đầu Đảng.

Theo giới phân tích, bỏ qua yếu tố sức khỏe của Tổng Trọng, cũng như chủ trương của Bắc Kinh “thay ngựa giữa dòng”, có một số lý do nội tại khiến ông Tô Lâm bất ngờ chiến thắng, cụ thể là:

Thứ nhất, sau hơn 13 năm cầm quyền trên cương vị Tổng Bí thư, ông Trọng đã quá lạm quyền, để duy trì quyền lực vĩnh viễn trong Đảng. Thậm chí, có những ý kiến cho rằng, ông Trọng có tham vọng ngồi ghế Tổng Bí thư cho đến hết đời, với lý do, sợ có ngày “kiến sẽ ăn cá”.

Thứ 2, Tổng Trọng đã lạm dụng công cụ “đốt lò”, để thanh trừng các cá nhân thuộc phe cánh là đối thủ chính trị với ông ta. Mà trường hợp cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Bí thư Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng, là một điển hình về sự bất công, nếu như so sánh với các sai phạm của ông Lê Thanh Hải hay Trần Tuấn Anh.

Điều đó đã tạo nên một sức ép tâm lý rất lớn, đối với các lãnh đạo Đảng, từ Trung ương tới địa phương, nhất là các lãnh đạo cấp cao. Những ai có biểu hiện coi thường, hay muốn giành chức Tổng Bí thư của ông Trọng, ngay lập tức sẽ phải trả giá, và mất chức, thậm chí đi tù. Các ông Đinh Thế Huynh trước đây, hay Nguyễn Xuân Phúc mới đây, là những ví dụ.

Nhưng ngược lại, chính sách “o ép” của Tổng Trọng, đã không lường hết được việc, đa số lãnh đạo cấp cao, ngoài mặt tỏ ra trung thành và ủng hộ ông Tổng, nhưng thực chất là sự giả tạo.

Thứ 3, ông Tô Lâm và phe cánh nắm chắc nhược điểm chết người này, nên đã âm thầm vận động chính trị hậu trường, để tạo phản. Đặc biệt, biện pháp này đã được áp dụng với thế lực từ Bộ Quốc phòng của Bộ trưởng Phan Văn Giang.

Việc ai ngồi ghế Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có ý nghĩa rất lớn, trong việc ổn định chính trị nội bộ của Đảng. Quân đội Việt Nam chủ trương không tham dự vào các xung đột phe phái. Đó là lý do vì sao, trước phiên họp Quốc hội ngày 6/6, người ta vẫn tin chắc, tướng lĩnh Bộ Quốc phòng vẫn “sát cánh” với Tổng Trọng.

Nhưng như đã nói, đó chỉ là những ảo giác không có thật, mà kết quả, vào phút thứ 89’, đa số các lãnh đạo cấp cao của Đảng, trừ phe Nghệ Tĩnh, đã quyết định “quay xe”, bỏ lại Tổng Trọng cô độc trong tình trạng sức khỏe rất xấu.

Theo giới quan sát, việc đa số lãnh đạo Đảng ủng hộ Chủ tịch nước Tô Lâm, không có nghĩa vì ông Tô Lâm tốt hơn Tổng Trọng. Mà vì họ đã quá chán ngán chủ trương vô pháp, vô thiên, tùy tiện, và bất chấp tất cả của ông Trọng.

Nhưng thực tế cũng cho thấy, ông Tô Lâm cũng chẳng hơn hay kém gì, cứ nhìn vào việc ông bất chấp tất cả các quy định của Điều lệ Đảng, để đưa Lương Tam Quang ngồi vào ghế Bộ trưởng Bộ Công an. Đây là điều được đánh giá là chưa từng có trong gần 80 năm cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đó là lý do vì sao, có những ý kiến đã cho rằng, sự an toàn của ông Tô Lâm trên chiếc ghế quyền lực hiện nay, cũng chỉ là tạm thời. Tương lai chính trị của Tô Lâm khó có thể tránh khỏi vết xe đổ của Tổng Trọng như đã thấy. Nếu như ông ta không đặt sự điều hành của Đảng và nhà nước trên nền tảng pháp trị, bằng Hiến pháp, luật pháp, như các quốc gia khác./.

 

Trà My – Thoibao.de