Chủ tịch huyện mất 171 tỷ và việc chống tham nhũng nửa vời của Tổng Trọng?

Công luận thấy rằng, hầu như lãnh đạo các cấp trong bộ máy Đảng và chính quyền đều tham nhũng, nhận hối lộ và vi phạm pháp luật.

Chỉ một lãnh đạo giữ chức Chủ tịch huyện, mà trong tài khoản ngân hàng có tới hàng trăm tỷ, để rồi bị lừa, thì đây là điều hết sức bất bình thường. Công luận đặt câu hỏi, vậy, lãnh đạo cấp trên của vị Chủ tịch huyện kia, là Bí thư Tỉnh ủy hay Chủ tịch tỉnh, thì còn giàu có đến cỡ nào?

Báo Tiền Phong ngày 13/6 đưa tin, “Đề nghị kỷ luật nữ Chủ tịch huyện liên quan vụ bị lừa 171 tỷ đồng”. Bản tin cho biết, tại kỳ họp thứ 39, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai đã xem xét, đề nghị xử lý và thi hành kỷ luật đối với bà Nguyễn Thị Giang Hương – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện Nhơn Trạch, về vi phạm “kê khai tài sản không trung thực” theo thẩm quyền.

Trước đó, bà Giang Hương được cho là đã bị nhóm lừa đảo công nghệ cao, xưng danh cơ quan bảo vệ pháp luật để hù dọa, sau đó yêu cầu mở tài khoản và chuyển tiền vào. Chỉ trong vài ngày, nhóm tội phạm đã rút của bà này hơn 171 tỷ đồng.

Mạng xã hội của người Việt đã dậy sóng về câu chuyện giàu có bất thường của lãnh đạo ở Việt Nam, nhiều ý kiến đặt câu hỏi: “Chỉ là một Chủ tịch huyện thôi tiền đâu ra mà nhiều vậy hả trời?”.

Nhiều ý kiến cho rằng, Đảng bộ tỉnh Đồng Nai cần phải trả lời công luận về câu hỏi:

“Số tiền 171 tỷ của bà Chủ tịch Nguyễn Thị Giang Hương có thể hiện trong bảng kê khai tài sản hay không, và đã được xác minh làm rõ hay chưa?”.

Bên cạnh đó, có những ý kiến cho rằng, đây là một sai phạm hết sức cụ thể, nhưng việc xem xét, xử lý kỷ luật trong một thời gian quá dài, là điều không cần thiết. Vấn đề chậm trễ trong việc xử lý các cấp lãnh đạo nói chung, có nhằm tạo điều kiện cho người bị kỷ luật có thời gian để “chạy tội” hay không?

Việc công khai minh bạch tài sản của quan chức, là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định sự thành bại của công cuộc phòng chống tham nhũng ở mọi quốc gia, kể cả ở Việt Nam.

Việc nhiều nhân vật lãnh đạo cấp cao hàng đầu cùng bị mất chức, do cáo buộc liên quan đến tham nhũng, như ông Võ Văn Thưởng đã nhận hối lộ 64 tỷ cách đây 13 năm; hay ông Vương Đình Huệ liên quan đến cáo buộc Trợ lý đã nhận tới 2.200 tỷ, từ tập đoàn sân sau; kể cả bà Trương Thị Mai cũng bị cáo buộc nhận 2 triệu USD từ bà trùm Trương Mỹ Lan… Vậy tại sao, việc kê khai tài sản lại không được đề cập tới?

Điều đó đã cho thấy, ngày càng có nhiều quan chức tham nhũng, và chức vụ của kẻ tham nhũng ngày càng cao. Một khi “thượng bất chính thì hạ tất loạn”. Tình trạng tham nhũng của đất nước “chưa bao giờ có được như hôm nay”. Từ chỗ cấp nhỏ thì ăn nhỏ, cấp lớn ăn lớn, đến nay, đã tiến tới tình trạng nhỏ ăn lớn, lớn cũng ăn lớn, nhưng vẫn không tha miếng nhỏ.

Đó là lý do vì sao, công cuộc chống tham nhũng của Tổng Trọng, càng chống tham nhũng càng tăng. Khởi tố bắt giam mãi vẫn không hết, bắt đến gần hết lãnh đạo, nhưng các đồng chí chưa bị lộ vẫn còn nhiều, và họ vẫn tiếp tục tham nhũng. Tới mức đã trở thành quy luật, số tiền nhận hối lộ tăng theo cấp bậc lãnh đạo nắm giữ.

Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Việt Nam và ông Nguyễn Phú Trọng chưa có một giải pháp chống tham nhũng cho phù hợp. Với thể chế chính trị Việt Nam hiện nay, không có “tam quyền phân lập”, không có độc lập tư pháp. Đó là nguyên nhân vì sao, Đảng đóng vai trò vừa là quan tòa, đồng thời cũng là kẻ trộm. Ông Trọng đã chỉ thị, “đánh chuột không để vỡ bình”, bởi lý do như vậy.

Công luận thấy rằng, tham nhũng là một thực trạng cố hữu trong khu vực công, đã và đang làm xói mòn niềm tin của người dân. Đã có những bằng chứng cho thấy, có sự liên kết, móc nối, thậm chí bao che có tổ chức, trong hệ thống lãnh đạo cấp cao. Đến mức, một số nhà quan sát gọi đây là “tình trạng lũng đoạn nhà nước”.

Không chỉ cần phải có “tam quyền phân lập” về thể chế, mà còn cần sự độc lập giữa các cơ quan tư pháp, như: Công an, Viện kiểm sát và Tòa án. Hơn nữa, còn cần có sự giám sát từ người dân và các tổ chức xã hội dân sự độc lập. Đồng thời, phải bổ sung những hình phạt nghiêm khắc hơn, với mức phạt bổ sung ít nhất phải bằng với số tiền đã tham nhũng, thất thoát do lỗi cố ý.

Quan trọng hơn, muốn chống được tham nhũng, thì những người lãnh đạo cao nhất của Đảng dứt khoát phải không tham nhũng, kể cả tham nhũng quyền lực./.

 

Trà My – Thoibao.de