Thầy Minh Tuệ đang đi theo con đường như Đức Phật ngày xưa

Ngày 20/6, blog Ngô Nhân Dụng trên VOA Tiếng Việt có bài bình luận về “Thầy Thích Minh Tuệ”.

Thoibao.de trích giới thiệu bài viết này đến quý khán thính giả, nội dung như sau:

Thầy Thích Minh Tuệ đi chân đất, mặc áo vá, ngày ăn một bữa, tối ngủ trong nghĩa trang. Lời nguyện của thầy: Con nguyện ước chúc mọi người được hạnh phúc. Chỉ cần bước đi thong thả, đi không cần tới, niềm vui trong ánh mắt, trên miệng cười của thầy, đã đem một luồng gió mát mẻ, an lành, cho mọi người cùng hưởng.

Thầy nói: “Con đi Tu là để cầu giải thoát”. Thầy cho thấy, ai cũng có thể tìm đường giải thoát. Hình ảnh bao nhiêu người cung kính đi theo thầy Thích Minh Tuệ, cho thấy, đạo Phật vẫn còn sống động trong xã hội Việt Nam, dù chung quanh vẫn còn là một kinh tế tư bản thời sơ khai, và đề cao một chủ nghĩa duy vật lỗi thời.

Có nhiều cách hành trì Đạo Phật, hàng trăm ngàn cách theo căn cơ mỗi người. Đức Thích Ca đã lấy thí dụ ba thửa ruộng khác nhau, mỗi thửa ruộng nên trồng hạt giống lúa khác nhau.

Thầy Minh Tuệ giúp chúng ta nhớ lại phép tu cổ truyền [hạnh đầu đà] này, mà người đầu tiên thực hành là Thầy Ca Diếp, đệ tử lớn nhất của Phật.

Dù sống trong tu viện hay trong rừng, người tu hành vẫn đi theo cùng một con đường “giữ giới luật”. Trong lịch sử đạo Phật đã xuất hiện nhiều tông phái khác nhau, nhưng hầu hết các giới luật đều giống nhau. Thầy Minh Tuệ tu với bước chân đi ngoài đường, nhưng các giới luật không khác những vị tu trong chùa. Người ta không thể nói tu cách nào chính thống hơn, hoặc mang lại hiệu quả cao hơn.

Đạo Phật không phải chỉ là một niềm tin, mà trước hết là hành động. Tu là một hành động. Hành động đầu tiên là rời khỏi gia đình để đi tìm đường thoát khổ, như chính đức Phật đã bắt đầu, khi hơn 30 tuổi. Phật tử dùng chữ “xuất gia” để gọi những người đi tu. Nhưng có những vị bồ tát, như Duy Ma Cật vẫn sống trong gia đình.

Đức Thích Ca không phải là người đầu tiên đã “xuất gia”. Ở Ấn Độ, từ ngàn năm trước, đã có những người rời khỏi gia đình đi “tìm đường giải thoát”. Trong những năm xuất gia đầu tiên, Đức Phật đã làm bạn với mấy vị đạo sĩ như vậy.

Một người xuất gia rời bỏ gia đình, sống một mình để tu tập, một truyền thống đã có từ trước thời Đức Phật. Các “sa môn” chỉ theo đuổi một mục đích trong đời, là cầu tiến, cải thiện lâm linh. Truyền thuyết kể rằng, khi Thái tử Tất Đạt Đa đi qua 4 cổng thành, chứng kiến các hiện tượng lão, bệnh, tử, ngài đã gặp một “sa môn” và thấy người đó an lạc, hạnh phúc.

Từ trước thời Đức Phật đã có những người “từ bỏ cuộc sống bình thường”, ra khỏi nhà để “tầm đạo”. Họ không còn đóng vai phần tử trong một gia đình, cũng như trong cả xã hội; họ không làm một công việc sản xuất hay thương mại, sống nhờ khất thực. Đến thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, phong trào này khá lớn khi Đức Thích Ca tham gia.

Thầy Minh Tuệ đang đi theo con đường như Đức Phật ngày xưa. Hiện tượng này sẽ nhắc nhở các Phật tử Việt Nam nhìn lại một truyền thống hơn 2,500 năm trước. Một bài học hiển nhiên ai cũng thấy, là con người có thể sống hạnh phúc mà không cần chạy đuổi theo của cải, danh vọng, quyền hành. Thầy Minh Tuệ nhắc nhở bài học rất giản dị là: “Mọi người hãy cố gắng giữ 5 giới: Không sát sanh, Không trộm cắp, Không tà dâm, Không nói dối, Không uống bia rượu”. Ai cũng có thể tập theo năm giới, dù vẫn sống đời bình thường, và thấy mình hạnh phúc hơn.

Người xuất gia có thể vào trong rừng sống một mình.

Sống trong tu viện, người ta sẽ có cơ hội học những giáo pháp, như Tánh Không, như Lý Duyên Khởi, vân vân. Những người sống một mình và chỉ đi ngoài đường sẽ không có cơ hội, tự mình khó tìm ra, khó chiêm nghiệm và thực chứng những giáo nghĩa sâu xa đó.

 

Hoàng Anh – thoibao.de