Thay vì cải cách thể chế để ổn định chính trị, ông Trọng lại nhắm vào một vị tu khổ hạnh

Ngày 21/6, RFA Tiếng Việt đăng bình luận của Giáo sư Zachary Abuza, với tựa đề “Khất sĩ Thích Minh Tuệ mang đến sự tương phản đáng hổ thẹn cho giới tinh hoa Việt Nam”.

Tác giả nhắc đến việc nhà cầm quyền Việt Nam đã ép buộc nhà sư khổ hạnh Thích Minh Tuệ, phải từ bỏ hành trình khất thực đã kéo dài 7 năm, với lý do đe dọa an toàn giao thông.

Nhưng, tác giả cho rằng, cái tội thực sự của ông là lối sống khiêm nhường, giản dị, trái ngược hoàn toàn với những vụ bê bối tham nhũng làm rung chuyển Việt Nam gần đây.

Tác giả đề cập đến những vụ án tham nhũng, khiến hàng loạt quan chức cấp cao bị buộc thôi việc, thậm chí là đi tù.

Điều trớ trêu là, sau tất cả các cuộc thanh lọc, trấn áp, người chiến thắng lại là người đã ăn món bít tết dát vàng trị giá hàng nghìn USD, tại London.

Đáng lẽ, điều này có thể kết thúc sự nghiệp của ông, nhưng ông Tô Lâm đã thành công khi chủ động tấn công, hạ bệ từng đối thủ một cách nhanh chóng và hiệu quả, và công khai thể hiện tham vọng cá nhân.

Tác giả nhận xét, chiến dịch của ông Trọng không chỉ tạo ra khủng hoảng về chính trị, gây lo sợ cho các nhà đầu tư nước ngoài, mà còn khiến cho Đảng yếu hơn về mặt thể chế, cũng như mất tính chính danh trong mắt công chúng.

Tác giả cũng đánh giá, khi cho rằng, trong các cuộc điều tra về giới lãnh đạo cấp cao không hiệu quả, bằng nhiều hình thức, Đảng đã tạo ra một trò hề từ các cáo buộc tham nhũng.

Theo đó, cho đến nay, 6 ủy viên Bộ Chính trị đều được “hạ cánh an toàn”, cho phép được từ chức với cảnh cáo nhẹ, được giữ địa vị, đặc quyền, đặc lợi và tài sản. Chưa có ai bị điều tra hình sự.

Theo tác giả, xét ở góc độ chính trị, ông Trọng đã nhả ra một thứ mà ông mất khả năng kiểm soát. Ông đã phải đứng ngoài nhìn các chiến hữu của mình lần lượt bị đốn hạ.

Chiến dịch “Đốt lò” chống tham nhũng mang đến những thiệt hại lâu dài cho hình ảnh của Đảng, và phơi bày sự thật rằng, không chỉ có một vài con sâu, mà tất cả đều tham nhũng. Đồng thời, cũng phơi bày sự thật, mỗi lãnh đạo cấp cao đều trở nên giàu có, nhờ tiền lại quả, khả năng tiếp cận đất đai, hoặc các cổ phần doanh nghiệp mà gia đình và bạn bè họ nắm giữ.

Tác giả bình luận, các cuộc thanh trừng và bổ sung thành viên cho Bộ Chính trị, đã khiến tổ chức này mất cân đối. Đặc biệt là sự thiếu vắng chuyên môn kinh tế một cách đáng sợ. Tình hình này có thể còn tồi tệ thêm, khi ông Đinh Tiến Dũng buộc phải từ chức.

Các cuộc điều tra chống tham nhũng đã dẫn đến tình trạng ngưng trệ hoạt động chi tiêu cho cơ sở hạ tầng cần thiết. Lý do là: các quan chức nhà nước cấp trung sợ bị điều tra.

Vẫn theo tác giả, những xáo trộn trong bộ máy lãnh đạo cấp cao đã tàn phá hoàn toàn lợi thế về sự ổn định về chính trị – vốn là một điểm hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Không có một nền báo chí tự do và lực lượng xã hội dân sự mạnh, Chính phủ Việt Nam sẽ luôn vô trách nhiệm.

Tác giả tiếp tục đề cập đến việc nhà báo Trương Huy San, bút danh Huy Đức, bị bắt giữ, vì nói lên sự thật.

Theo đó, vào ngày 26/5, Huy Đức đăng một bài viết trên Facebook với tựa đề “Một đất nước không thể phát triển dựa trên sự sợ hãi”. Bài báo phê phán việc vũ khí hóa các cuộc điều tra chống tham nhũng, đã đưa ông Lâm lên vị trí Chủ tịch nước, đồng thời là một ứng cử viên hàng đầu cho vị trí Tổng Bí thư tiếp theo.

Hai ngày sau đó, Huy Đức chỉ trích chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng là không hiệu quả và phản tác dụng.

Huy Đức đã đi tới một sự thật, đó là: Không có các cải cách về pháp luật và thể chế, cũng như không trao tự do cho báo chí, sẽ không chiến dịch chống tham nhũng nào có thể thành công.

Tác giả tiếp tục bình luận, ông Trọng đã góp phần phi chính danh hóa Đảng, phơi bày sự thối rữa trong giới lãnh đạo cấp cao, đồng thời làm chậm lại tăng trưởng kinh tế. Ông cũng đã bóp nghẹt xã hội dân sự và báo chí độc lập – những lực lượng cố gắng buộc giới lãnh đạo Đảng phải có trách nhiệm giải trình.

Ông Trọng đã đổ lỗi cho tất cả mọi người, trừ bản thân. Thay vì thực hiện các cải cách thể chế, ông Trọng đang nhắm mục tiêu vào một nhà sư khổ hạnh.

 

Hoàng Anh – thoibao.de