Heineken Việt Nam đóng nhà máy ở Quảng Nam

Ngày 25/6, VOA Tiếng Việt loan tin “Heineken đóng cửa một nhà máy bia ở Việt Nam vì thị trường suy yếu”.

Theo VOA, một hãng tin quốc tế nổi tiếng đã dẫn tuyên bố của Công ty Heineken, nhà sản xuất bia lớn thứ hai thế giới, ngày 24/6, thông báo tạm dừng hoạt động của một trong những nhà máy bia tại Việt Nam, từ tháng này, do nhu cầu thị trường suy yếu và mô hình tiêu dùng thay đổi ở Việt Nam.

“Nền kinh tế tổng thể bao gồm cả ngành bia đã phải đối mặt với nhiều thách thức, do suy thoái kinh tế dẫn đến sự sụt giảm niềm tin của người tiêu dùng, và mô hình tiêu dùng”, tuyên bố của hãng bia Hà Lan nói.

VOA dẫn truyền thông trong nước cho biết, thông báo tạm dừng hoạt động cũng đã được gửi tới Uỷ ban Nhân dân và Ban quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam.

Theo văn bản, nhà máy bia Heineken Quảng Nam đã tạm dừng hoạt động từ ngày 12/6.

Vẫn theo VOA, doanh nghiệp của Hà Lan cho biết, ngoài yếu tố tăng trưởng kinh tế sụt giảm, việc Việt Nam triển khai Nghị định 100, trong đó hạn chế giới hạn nồng độ cồn đối với tài xế xuống 0, kể từ năm 2019, đã ảnh hưởng đến việc tiêu thụ bia của người tiêu dùng. Hậu quả là, lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, thị trường bia Việt Nam chứng kiến mức sụt giảm hai con số vào năm 2023, và tiếp tục giảm ở mức trung bình một con số từ đầu năm đến nay.

Vì vậy, theo hãng tin quốc tế nói trên, Heineken cho biết, họ cần tối ưu hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hãng tin quốc tế nói rằng, quyết định “tạm dừng” nhà máy bia Quảng Nam, nhà máy bia nhỏ nhất trong số 6 nhà máy bia của Heineken ở Việt Nam, nhằm để giải quyết “các giải pháp liên quan đến tài sản”.

VOA cho biết, báo Tiền Phong dẫn văn bản của hãng bia nói thêm:

“Quyết định này cũng phù hợp với tham vọng và trách nhiệm của Việt Nam và Heineken Việt Nam trong việc hướng tới mục tiêu không phát thải carbon trong hoạt động sản xuất, chúng tôi cần tiếp tục tối ưu hoá với ít nhà máy hơn nhưng mỗi nhà máy lớn hơn về quy mô.”

Ngoài ra, theo hãng tin quốc tế, Heineken cho biết, họ đang tìm kiếm quy mô hiệu quả và kinh tế, để “hợp lý hóa hoạt động của mình, giúp chúng tôi tiếp tục đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng tại thị trường Việt Nam”.

VOA cũng cho biết, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Nhà máy Bia Heineken Việt Nam là liên doanh giữa Heineken và Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn. Hãng bia này bắt đầu hoạt động tại Việt Nam với nhà máy đầu tiên ở thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1991. Đến nay, Heineken Việt Nam đã có 6 nhà máy.

VOA dẫn nhà sản xuất bia Hà Lan cho biết, họ đã đầu tư hơn 1,1 tỷ USD vào Việt Nam, và các nhà máy bia của họ đã trực tiếp tuyển dụng hơn 3.000 người, đóng góp 1,04% GDP của cả nước.

Riêng nhà máy bia Heineken Quảng Nam, truyền thông trong nước cho biết, trước dịch Covid-19, bình quân nhà máy này mỗi năm đóng góp ngân sách cho tỉnh từ 1.000 – 1.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản đóng góp “nghìn tỷ” đã sụt giảm liên tục trong vài năm gần đây. Riêng 3 tháng đầu năm 2024, nhà máy của Heineken chỉ đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 20 tỷ đồng, theo Tiền Phong.

VOA cũng dẫn Bộ Tài chính Việt Nam cho biết vào hồi đầu tháng này, rằng, họ đang lên kế hoạch tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn lên 100% vào năm 2030, một động thái có thể gây tổn hại thêm nữa cho ngành này.

Hạn chế rượu bia là điều tốt, tuy nhiên, hạn chế quá triệt để lại gây ra những hệ luỵ khác. Có thể thấy rõ nhất trong thời gian qua, là chính sách này đã làm tổn thương trầm trọng hơn cho nền kinh tế vốn đang trên đà suy thoái suốt 3 năm qua. Không chỉ khiến nguồn thu ngân sách giảm, mà còn ảnh hưởng dây chuyền đến một loạt các ngành khác, như: ngành bán lẻ, ngành nhà hàng khách sạn…

 

Thu Phương – thoibao.de