Ngày 5/8, BBC Tiếng Việt bình luận “Quanh việc Miss Grand Việt Nam Võ Lê Quế Anh bị gán mác “ba que”’.
Theo đó, tân Hoa hậu Võ Lê Quế Anh (sinh năm 2001, quê Quảng Nam) đã bị tấn công, ngay sau khi thí sinh này đoạt vương miện Miss Grand Việt Nam 2024 hôm 3/8, vì cho rằng, cô có liên quan tới Việt Nam Cộng hòa.
Theo BBC, nhiều ý kiến cho rằng, Hoa hậu Quế Anh là cháu của đạo diễn Hoàng Nhật Nam – một thành viên của Ban tổ chức chương trình, và là chồng của bà Phạm Kim Dung – Tổng Giám đốc Công ty truyền thông Sen Vàng, nơi tổ chức Miss Grand 2024.
Gia đình ông Nam bà Dung bị cáo buộc là có gốc gác Việt Nam Cộng hòa, sau khi xuất hiện những bức ảnh chụp ông Nam hoặc người nhà ông, trong đó có sự xuất hiện của cờ vàng 3 sọc đỏ.
Nhiều lời kêu gọi tẩy chay 3 người này và cả Công ty Sen Vàng của bà Dung.
BBC cho biết, đạo diễn Nhật Nam đã thanh minh trên Facebook cá nhân, ngày 3/8 rằng, Quế Anh không phải cháu ruột của ông, và những lời cáo buộc về việc ông và gia đình liên quan tới Việt Nam Cộng hoà cũng là không đúng.
Ông khẳng định, sẽ nhờ pháp luật can thiệp để giải quyết vụ việc lần này. Nhưng 2 bài viết thanh minh của ông Nhật Nam dường như không làm dịu đi sự phẫn nộ của dư luận.
Vẫn theo BBC, 2 diễn đàn có lượng theo dõi lớn là Tifosi và Đơn vị Tác chiến Điện tử, đã kêu gọi dân mạng “lập hồ sơ” bằng chứng về việc Quế Anh có liên quan, ủng hộ Việt Nam Cộng hoà.
Trang Facebook Đơn vị Tác Chiến Điện Tử hôm 5/8 còn đăng hình bà Phạm Kim Dung mặc áo dài màu vàng, có 3 hàng cúc đỏ, cho rằng, bà Dung mặc như vậy là ủng hộ Việt Nam Cộng hòa, là “ba que”.
BBC dẫn bài trên trang Facebook vào sáng 5/8 của bà Dung, viết rằng, chiếc áo dài này thuộc “bộ sưu tập áo dài mùa Tết 2024 mang tên Tràng An của thương hiệu thời trang Việt Joven Fashion”, và bà “mong khán giả có cái nhìn hết sức công tâm và không bị dẫn dắt bởi những đối tượng xấu có hành vi tấn công mạng, công kích cá nhân”.
BBC cũng cho biết, các biểu tượng Việt Nam Cộng hoà vẫn là điều cấm kỵ với chính quyền Đảng Cộng sản, dù đã gần 50 năm trôi qua kể từ khi chính thể này sụp đổ.
Báo chí mọi lúc mọi nơi đều phải kiểm soát chặt, không để lọt các hình ảnh có cờ vàng 3 sọc đỏ lên trang báo. Ở các di tích liên quan đến Việt Nam Cộng hòa, cờ vàng trên các hiện vật lịch sử (như máy bay, xe,…) cũng bị gạch chéo.
BBC nhắc lại 2 sự kiện. Vào cuối tháng 5/2024, ca sĩ Ngọc Mai, hay O Sen Ngọc Mai, gặp rắc rối, sau khi xuất hiện trong một video có lá cờ vàng sọc đỏ.
Một sự kiện khác là việc ca sĩ người Úc gốc Việt Hanni Phạm, bị trang Tifosi và một số diễn đàn khác trên mạng xã hội đăng bài chỉ trích, sau khi có người phát hiện trang mạng xã hội của gia đình cô treo cờ vàng.
Vụ việc này khi đó căng thẳng tới mức, Ban Tuyên giáo Trung ương phải chỉ đạo báo chí tránh làm căng thẳng, và gây ảnh hưởng tới quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc.
BBC dẫn bình luận của Giáo sư Alex-Thái Đình Võ, từ Đại học Texas Tech, Mỹ, nói rằng:
“Lời kêu gọi tẩy chay cho thấy sự độc hại của những sự phân biệt, vẫn tồn tại gần 50 năm sau cuộc chiến, dù ở Việt Nam hay ở cộng đồng tị nạn hải ngoại. Phần nhiều cũng do giáo dục, giáo dục ở đây là sự bưng bít thông tin về lịch sử, chính trị và xã hội.”
BBC dẫn tiếp bình luận của một bạn trẻ ở Sài Gòn, cho rằng:
“Gieo rắc và kích thích lòng thù hận, căm ghét, dưới bầu trời chung của tinh thần ái quốc, luôn dễ dàng hơn là lý trí tìm hiểu sự thật lịch sử. Chưa kể là người trẻ vẫn đang học về lịch sử thật mơ hồ, chưa hiểu rõ các mặt của một cuộc chiến, ngoài những gì trong sách vở tuyên truyền hay báo chí dưới gông cùm kiểm duyệt.”
Minh Vũ – thoibao.de