Vì sao, hơn 100 ngàn người Việt ra đi mỗi năm?

Ngày 22/8, Facebooker Chau Doan, tức nhà báo Đoàn Bảo Châu, có một status trên trang cá nhân của mình: Tại sao họ ra đi?

Theo tác giả, trong 26 năm qua, mỗi năm có chừng 100 ngàn người Việt di cư ra nước ngoài, và Việt Nam được xếp vào top 10 các quốc gia di cư ra nước ngoài nhiều nhất, tại khu vực Đông Á – Thái Bình Dương.

Tác giả đăng kèm status một tấm hình của cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, với phát ngôn của ông: “Điều tôi muốn nhấn mạnh là, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng… chưa bao giờ lớn và sâu sắc như lúc này!”

Tác giả cho hay, câu này ông Phúc nói vào năm 2018, từ năm ấy đến nay, số người đi vẫn nhiều. Họ trốn bằng nhiều con đường khác nhau, thậm chí bằng những cách nguy hiểm chết người. Con số người Việt vượt biên sẽ gấp nhiều lần, nếu các nước khác có chính sách mở cửa tị nạn.

Tác giả nhận xét, đất lành chim đậu, nếu người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, thì họ nên yên tâm an cư lạc nghiệp, chứ sao lại đi tìm tương lai ở bến bờ khác làm gì, mà ở những nơi ấy, thì đào đâu ra Đảng Cộng sản để dẫn đường cho họ?

Tác giả khẳng định, một công dân có quyền nghi ngờ hay tin tưởng lời nói của một người khác, cho dù người ấy là dân thường hay quan chức, nếu không thấy cơ sở thuyết phục. Nói lên lòng tin hay sự nghi ngờ, nói lên sự thật, nỗi niềm trăn trở trước thực tại, là quyền tối thiểu của công dân. Nói vậy để dư luận viên đừng chụp mũ, gán ghép tội “nói xấu lãnh đạo”.

Các ông không thể làm được gì ra hồn, khi không có cái tư duy thẳng thắn minh bạch trước mọi chuyện.

Tác giả nêu ra mấy lý do, tại sao người Việt ra đi.

1.Môi trường kinh doanh lởm. Nếu ngày nào các doanh nghiệp ở Việt Nam được phép nói thẳng, thì các ông mới hiểu hết nỗi khổ của họ. Như bà Phạm Chi Lan đã nói, thì số tiền để doanh nghiệp bôi trơn là khủng khiếp. Tiền rơi vào túi quan chức chứ đâu. Vậy, lòng tin của người dân có đặt vào những kẻ ăn chặn, những kẻ coi mình là bò sữa để vắt không?

  1. Môi trường sống bẩn khiến người dân hoảng hồn. Nguyên nhân cũng bởi cơ quan chức năng làm không ra gì. Đến cán bộ cho phép bao tấn chất độc về, mà còn ngây ngô nói, không biết đấy là chất độc cơ mà. Vậy chắc phải hỏi người dân thì mới biết?
  2. Tai nạn: Ngoài tai nạn giao thông thì còn đủ tai nạn kiểu khác, như dây điện rơi trước trường học, bảo vệ trường, người đi đường coi như bị mù. Kết quả là mấy đứa trẻ gặp nạn. Người Việt xấu xí hết sức ở khía cạnh này, ích kỉ đến bất lương.

Cổng chào bằng thép mà móng toàn đất, những con đường bao nghìn tỉ mà đầy ổ voi, khiến người dân ngã đầu đập xuống đất, hay xe tải cán qua người. Chết thì đại biểu Quốc hội phán bảo do đi không nhìn, không phải do đường mà chết.

  1. Đạo đức xã hội xuống cấp chưa từng có, nhìn đâu cũng thấy tham nhũng, bất công, môi trường giáo dục thì thối hoăng với bao vụ tai tiếng, công lý chẳng phải là diễn viên hài mà nhiều vụ còn là một thằng khốn nạn chuyên chụp mũ, kết tội người yêu nước một cách thô bỉ.

Vẫn theo tác giả, người dân dựa vào lãnh đạo để dẫn dắt. Ông Phúc từng là lãnh đạo cấp cao chót vót, mà toàn phát biểu bôi hồng, rất xa thực tế, thì đến bao giờ hiện trạng này mới được cải thiện?

Dân đen chỉ cần những cái đầu và con tim nhìn thấy sự thật, và biết cải thiện hiện trạng.

Tác giả nhận định, mạng xã hội là nơi duy nhất những tiếng nói phản biện thẳng thắn được đưa lên, nơi bấu víu hy vọng mỏng manh để tạo ra sự thay đổi tích cực, mà các ông áp dụng luật An ninh mạng để hạn chế, kiểm soát, thì đất nước này sẽ be bét đến đâu, tệ hại đến đâu trong thời gian tới?

 

Xuân Hưng – thoibao.de