Đường đến ngôi quyền lực của Tô Lâm sẽ khốn đốn vì Lương Cường?

Ông Tô Lâm đã tận dụng cơ hội làm phản và đánh úp, nên leo lên được ghế Tổng Bí thư. Nhờ núp bóng ông Nguyễn Phú Trọng, và nhờ ông Trọng “đốt lò”, kìm hãm nhiều thế lực suốt 8 năm, mà Tô Lâm mới có cơ hội nuôi quân, để làm nên chuyện như ngày hôm nay.

Thành công đến với Tô Lâm rất nhanh, bởi ông biết cách tận dụng thời cơ, biết nuôi quân và tận dụng triệt để lực lượng công an. Tuy nhiên, dù thành công đến nhanh, nhưng không có nghĩa là duy trì thành công ấy dễ dàng. Để giữ được quyền lực lâu như ông Trọng, ông Tô Lâm cần phải làm rất nhiều điều. Trong đó, ông phải triệt mọi mầm họa có thể.

Tuy nhiên, Tô Lâm đang gặp phải khúc “gân gà” khá to, đấy là ông Lương Cường. Tướng Lương Cường là lá chắn mà ông Trọng mang vào Ban Bí thư, để vá lại lỗ hổng sau khi Tô Lâm đánh rụng Thường trực Ban Bí thư kiêm Trưởng ban Tổ chức Trung ương – Trương Thị Mai. Có thể nói, trước khi chết, ông Trọng đã để lại cho ông Tô Lâm một khúc “gân gà” khó nuốt.

Thực ra, khi ông Nguyễn Phú Trọng chọn Tướng Lương Cường thay cho bà Trương Thị Mai, ông cũng chẳng còn hy vọng sống lâu để dùng những nhân sự mà ông tái lập này, bởi lúc đó cái chết đã cận kề với ông. Chủ yếu là ông muốn làm khó Tô Lâm.

Giờ đây, Tô Lâm muốn trở thành thế lực mạnh nhất, thì phải giải quyết bài toán Lương Cường. Tuy nhiên, để ông Lương Cường ở lại Ban Bí thư, thì không tiện cho ông Tô Lâm xây dựng lại Ban này, mà đẩy ông Lương Cường sang Phủ Chủ tịch, thì Tô Lâm buộc phải san sẻ quyền lực, đồng thời, cũng tạo cơ hội cho ông Lương Cường tự do hành động hơn. Kịch bản mà Tô Lâm sợ nhất, đó là, ông Lương Cường có thể bắt tay với ông Phan Văn Giang, để tạo thế cân bằng với thế lực của Tô Lâm.

Không như ông Trọng, ông Tô Lâm hiện nay đang có rất nhiều kẻ thù. Trong đó, đáng ngại nhất là việc thế lực quân đội thống nhất các phe cách, để chống lại ông. Quân đội có cả một bộ máy nhà nước thu nhỏ, có vũ khí, có cơ quan điều tra riêng, có tòa án riêng, có cả cơ quan tình báo vv… Một khi họ thống nhất, thì Tô Lâm có thể làm gì được họ?

Một mình Tướng Lương Cường thì không phải là thế lực đủ mạnh để cân bằng với Tô Lâm. Nhưng một khi Lương Cường kết hợp được đúng người, thì hoàn toàn có thể lật đổ sự thống trị của Tô Lâm. Đấy chính là mối nguy tiềm ẩn. Ắt hẳn, cả ông Lương Cường và ông Tô Lâm đều biết điều đó. Vì thế, cuộc chiến cung đình sắp tới sẽ rất khắc nghiệt và khó lường.

Đang trên đà thắng như chẻ tre, thì bỗng nhiên khựng lại bởi một ông Tướng Quân đội. Muốn hạ Tô Lâm, thì trước hết phải chặn đà tiến của ông, tiếp đó là kêu gọi những thế lực khác hợp lực. Mà gần Lương Cường nhất, chính là Tướng Phan Văn Giang. Nếu 2 ông tướng này kết hợp, thì sẽ rất lý tưởng cho cả 2. Tuy nhiên, hai người này có thể gạt bỏ mâu thuẫn, để chung tay làm nên một trận đánh lớn hay không, thì lại là chuyện khác.

“Bạo lực Cách mạng” là đường lối cai trị của Đảng Cộng sản, với lực lượng Công an làm nòng cốt, xem Đảng là nguồn sống. Cho nên, sau khi giành được chính quyền, họ đã áp đặt ách thống trị đầy tính bạo lực với nhân dân.

Giờ đây, người trong Đảng cũng phải nếm mùi của cái gọi là “bạo lực Cách mạng” ấy. Tô Lâm dành cho thế lực khác thứ bạo lực sặc mùi Công an, thì để khắc chế đường lối bạo lực của Tô Lâm, các phe phái khác chỉ còn cách là dùng bạo lực mạnh hơn. Nơi có thể làm được việc đó là quân đội.

Nếu quân đội thống nhất, trong đó Lương Cường và Phan Văn Giang một lòng một dạ, thì Tô Lâm sẽ không còn là ông vua nữa, mà phải biết nhượng bộ, chứ không phải chỉ bắt người khác nhượng bộ nữa.

 

Trần Chương – Thoibao.de