Tổng Bí thư Tô Lâm “dục tốc bất đạt” khi chưa có quyền lực tuyệt đối

Đánh giá về sự thăng tiến quá nhanh và đầy nghi vấn của Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm, theo một số ý kiến, dù đang ở đỉnh cao nhất, nhưng ông Tô Lâm khó có thể trụ vững.

Việc Tổng Bí thư Tô Lâm tới đây sẽ phải bàn giao chức Chủ tịch nước cho một tướng lĩnh quân đội, gần như là điều chắc chắn. Trong đó, ông Lương Cường là ứng viên sáng giá nhất.

Theo giới thạo tin, việc ông Tô Lâm nắm giữ 2 chức vụ cao nhất của Đảng và Nhà nước, chỉ là phương án tạm thời. Với mục đích, để ông có thể sử dụng vai trò đứng đầu Đảng và Nhà nước, trong các chuyến thăm tới Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Tại cuộc gặp các cựu lãnh đạo Đảng và Nhà nước, vào ngày 15/8, ông Tô Lâm đã nói rằng, sẽ kiện toàn các chức danh lãnh đạo cấp cao vào tháng 10/2024. Điều này được cho là “một cách đánh tiếng với các bậc trưởng lão” trong Đảng rằng, sẽ không có việc nhất thể hóa, và không có sự thay đổi nào về cơ chế “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”.

Giới chuyên gia đánh giá, ông Tô Lâm làm như vậy là rất khéo léo. Ông đang từng bước thận trọng, chỉ củng cố quyền lực trên cương vị Tổng Bí thư, và không làm phật lòng các phe cánh khác.

Điều đó cho thấy, thời gian đầu trong việc tiến chiếm quyền lực, ông Tô Lâm chủ trương thần tốc, sẵn sàng đè bẹp các đối thủ cản đường. Chỉ trong vòng 73 ngày, từ một Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, ông Tô Lâm đã đoạt được 2 trong 4 ghế “Tứ trụ” một cách dễ dàng và khó hiểu.

Khi đó, công luận đặt câu hỏi về vai trò lá chắn cuối cùng, để bảo vệ tổ quốc và chế độ của quân đội ở đâu? Tại sao lại để cho một viên tướng “đầu lĩnh” công an, đã và đang làm loạn, như thể giữa chốn không người?

Việc các tướng lĩnh phe quân đội hầu như không có những phản ứng cần thiết, hay “án binh bất động”, là điều có thật. Giữa lúc đó, lại xuất hiện tin đồn, Đại tướng – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, cũng là tay chân của cựu Thủ tướng Ba Dũng.

Song, tin đồn thì vẫn chỉ là tin đồn. Mới đây, kênh truyền hình Quốc Phòng và lực lượng dư luận viên đang tiến hành một chiến dịch tấn công trường Đại học Fulbright Việt Nam, cáo buộc Đại học này là nơi khuyến khích làm “cách mạng màu”,“lò đào tạo phản động”.

Trong khi, Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa lên tiếng hoan nghênh các hoạt động của Đại học Fulbright, và ca ngợi sự hợp tác giáo dục Việt – Mỹ.

Điều đó cho thấy, có sự chia rẽ trong nội bộ lãnh đạo Bộ Quốc phòng nói riêng, và sự không thống nhất trong quan điểm đối ngoại, giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Ban Bí thư do Đại tướng Lương Cường đứng đầu, về mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.

Được biết, Đại tướng Lương Cường – Thường trực Ban Bí thư, là một nhân vật thân cận với cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, và có cùng quan điểm thân Trung Quốc.

Trong khi đó, truyền thông quốc tế đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang sẽ đến Hoa Kỳ, từ ngày 7 đến 9/9 sắp tới. Ông Giang sẽ có cuộc gặp cấp cao với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, với mục đích tăng cường hợp tác quốc phòng giữa 2 nước.

Có thông tin cho rằng, Bộ trưởng Phan Văn Giang có thể sẽ ký một thỏa thuận mua thiết bị quân sự từ Mỹ. Đây là những tín hiệu cho thấy, 2 nước sẽ tăng cường quan hệ quân sự, và có thể hợp tác sâu rộng hơn nữa trong tương lai.

Trong khi đó, có ý  kiến cho rằng, lập trường của phe quân đội thời “hậu” Nguyễn Phú Trọng rất rõ ràng và dứt khoát, quân đội – chứ không phải công an – mới là trung tâm quyền lực.

Trong bối cảnh, chính trường Việt Nam đang ở vào một giai đoạn có nhiều xáo trộn và bất ổn, như hiện nay, Tổng Bí thư Tô Lâm có lẽ chưa đủ thực lực để có được quyền lực tuyệt đối. Và chủ trương thần tốc của ông đã biến thành “dục tốc bất đạt”.

 

Trà My – Thoibao.de