Phí môi giới cao và lương thấp, khiến nhiều thực tập sinh Việt Nam phạm tội tại Nhật

Ngày 29/8, BBC Tiếng Việt có bài “Thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản: “Tôi gửi tiền ăn trộm về cho gia đình”’.

BBC dẫn báo Asahi Shimbun, cho hay, cuối tháng 7, một thực tập sinh người Việt 32 tuổi, bị bắt vì trộm cắp. Ông cho biết: “Tôi đã gửi số tiền ăn trộm được về cho gia đình ở Việt Nam.”

Theo điều tra viên, ông này đã vay hơn 1 triệu yen (hơn 170 triệu đồng), để trả phí cho một công ty đưa ông đến Nhật Bản, nhưng sau đó không thể trả được nợ.

Báo Asahi Shimbun dẫn thông tin từ Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản, cho hay, năm 2023, có 1.608 người Việt bị bắt ở Nhật, chiếm khoảng 28% tổng số người nước ngoài bị bắt giữ, và là con số cao nhất tính từ năm 2019.

BBC dẫn một khảo sát của Cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh Nhật Bản, cho thấy, hơn một nửa số thực tập sinh đã vay trung bình 540.000 yen (khoảng hơn 97 triệu đồng, vào thời điểm tháng 4/2022) để đến Nhật Bản. Nhưng 20% trong số này cho biết, mức lương ở Nhật thấp hơn họ tưởng, và nhiều thực tập sinh đã trốn ra ngoài tìm việc khác, để có tiền trả nợ.

Từ cuộc khảo sát, Cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh Nhật Bản cũng cho rằng, thực tập sinh sang Nhật Bản đang phải chịu mức chi phí “không công bằng”.

Bên cạnh đó, BBC cho biết, việc tỷ giá Yen/VND xuống thấp, cũng khiến thực tập sinh khó trả nợ hơn.

BBC trích bài viết ngày 23/8/2023 trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Nghệ An, cho hay, việc đồng Yen rớt giá “khiến người lao động ở Nghệ An đi 3 năm lo không đủ tiền trả nợ”.

BBC cũng dẫn một bài viết ngày 29/8 trên Nikkei Asia, theo đó, nhiều người Việt nói rằng, tỷ giá Yen/VND suy giảm, khiến họ không còn muốn tới Nhật Bản làm việc.

BBC cũng cho biết, theo luật của Nhật, trong vòng 3 năm đầu tiên, thực tập sinh không được chuyển chỗ làm khỏi công ty tiếp nhận ban đầu.

Việc này khiến nhiều người bất mãn với môi trường làm việc chỉ có 3 lựa chọn: tiếp tục làm việc, về Việt Nam, hoặc trốn ra ngoài.

Theo Nikkei Asia, nhiều thực tập sinh Việt Nam e ngại không dám lên tiếng, khi bị người sử dụng lao động quấy rối tình dục, hoặc ngược đãi bằng lời, bằng bạo lực, hoặc không trả lương, do sợ sẽ mất việc.

BBC dẫn quan điểm của ông Shinichiro Nakashima, từ một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ người ngoại quốc sinh sống ở Nhật, cho rằng, Chính phủ Nhật cần có những chính sách lâu dài, hỗ trợ việc cư trú tại Nhật Bản.

BBC dẫn thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam, theo đó, trong 3 tháng đầu năm 2024, Việt Nam có hơn 23.000 lao động tới Nhật làm việc. Việt Nam là quốc gia có lượng thực tập sinh nước ngoài lớn nhất ở Nhật.

BBC tiếp tục dẫn trang Nikkei Asia, vào tháng 6 đưa tin rằng, chương trình thực tập sinh hiện thời của Nhật đã bị chỉ trích, khi thực tập sinh Việt Nam phải vay một số tiền lớn để có thể sang làm việc. Trung bình, một người phải trả hơn 112 triệu đồng để các công ty môi giới giúp qua Nhật Bản làm việc.

Nikkei Asia dẫn nguồn tin cho biết, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) sẽ hợp tác với Chính phủ Việt Nam và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), để giảm gánh nặng tài chính cho những người học việc đi Nhật Bản.

Theo đó, JICA, Chính phủ Việt Nam, ILO và các bên khác sẽ sớm ký một thỏa thuận thành lập sáng kiến Tuyển dụng Công bằng và Đạo đức Việt -Nhật, dự kiến sẽ được áp dụng vào mùa thu năm nay.

Theo đó, JICA và các đối tác sẽ tạo ra một cơ chế, yêu cầu nhà sử dụng lao động Nhật trả hơn 50% phí tuyển dụng, mà thực tập sinh Việt Nam phải trả cho các công ty môi giới.

BBC nhận xét, hiện tại, Nhật đang dần mất ưu thế tuyển dụng lao động nước ngoài trước các quốc gia khác, chẳng hạn Hàn Quốc, vì mức lương thấp hơn.

 

Hoàng Anh – thoibao.de