Việc kiểm soát tư tưởng trong chế độ Công an trị ở Việt Nam còn tệ hại hơn ở Trung Quốc?

Trong những ngày gần đây, cả guồng máy chính trị ở Việt Nam đang “phát cuồng”, vì câu chuyện nam sinh vô địch tháng 1/2023, cuộc thi Đường Lên Đỉnh Olympia – Chu Ngọc Quang Vinh – vừa bị Công an tỉnh Yên Bái triệu tập, vì đã “chỉ trích” Đảng Cộng sản, coi Đảng là thế lực xấu, chỉ biết lừa gạt dân.

Không chỉ nhiều cá nhân, hội nhóm trên mạng xã hội công kích, chỉ trích nặng nề nam sinh này, mà cả hệ thống chính quyền tỉnh Yên Bái, đã “khẩn trương” đưa Công an vào cuộc, để răn đe, trấn áp nam sinh.

Câu chuyện vừa kể đã làm mạng xã hội nổi sóng, trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9. Nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại về việc, khi một nam sinh chưa đủ 18 tuổi, dám nói lên suy nghĩ và mơ ước của mình, cũng bị ném đá, bị tấn công không thương tiếc. Và không hiểu vì lý do gì, cả hệ thống truyền thông đồ sộ của nhà nước, đã đồng loạt cáo buộc, và coi đó là “sự vô ơn” của nam sinh này đối với Đảng.

Nhiều ý kiến ngạc nhiên, tại sao các tổ chức truyền thông và cả các cá nhân có tên tuổi, lại không phân biệt được sự khác biệt giữa đất nước, dân tộc, với đ0ảng chính trị độc tôn?

Đây là hệ quả của một nền giáo dục nhồi sọ, trong một thời gian quá dài. Tại sao, việc biểu đạt quan điểm của mỗi cá nhân, là quyền con người, lại bị cáo buộc là vô ơn đối với Đảng – một tổ chức chính trị?

Nam sinh Chu Ngọc Quang Vinh lớn lên và trưởng thành, là nhờ ơn cha mẹ nuôi dạy. Chứ tại sao phải mang ơn Đảng hay Chính phủ, cũng như bộ máy nhà nước?

Chính quyền tỉnh Yên Bái đã quên rằng, bộ máy Đảng, Nhà nước, và Chính phủ, đều tồn tại bằng những đồng thuế đóng góp của người dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Nếu Chính phủ làm không tốt để phụng sự nhân dân, thì người dân có quyền đuổi Chính phủ”. Vậy tại sao, những kẻ trong bộ máy chính quyền lại có thái độ vô ơn với người đóng thuế nuôi mình?

Hơn cả hệ thống chính trị độc đoán nhất thế giới như Trung Quốc, Việt Nam – một quốc gia với thể chế Công an trị, ở đó, người ta còn mong muốn kiểm soát cả tư tưởng và suy nghĩ của người dân. Nhà văn, Đại tá Công an Thái Kế Toại – cựu Trưởng phòng An ninh Văn hóa Cục A25 của Bộ Công an, nay đã nghỉ hưu, đã đưa ra bình luận này.

Đại tá Toại liên hệ với câu chuyện “Thu Cúc đi kiện” ở Trung Quốc, để so sánh về sự trưởng thành của “Ý thức pháp luật về quyền sống, và quyền được bảo vệ của một phụ nữ, thân phận nhỏ bé trong xã hội Trung Quốc”, để so sánh với sự hủ bại ở xã hội Việt Nam hiện nay.

Theo giới phân tích, nam sinh Chu Ngọc Quang Vinh chỉ đang thực hiện một trong những quyền tự do, được nói ra những gì mình suy nghĩ. Và xã hội chỉ phát triển đúng hướng, khi những quyền cơ bản này được ghi nhận, và tôn trọng. Những điều này đã được Hiến pháp Việt Nam thừa nhận và hiến định.

Việc Đảng Cộng sản Việt Nam và chính quyền của họ luôn “mập mờ”, đánh đồng các khái niệm quốc gia, dân tộc, với Đảng của họ, Tiến sĩ Nguyễn Quang A đưa ra nhận định với RFA Tiếng Việt:

“Tôi nghĩ, đó là một cách nói của họ, họ luôn luôn nói như thế, thì phải hiểu rằng, Đảng của họ là trên hết. Cái sự đánh đồng đấy là một cái mẹo, mà không chỉ Đảng Cộng sản Việt Nam, mà hầu như các chính trị gia kiểu nào họ cũng đánh đồng như vậy cả.”

Công luận cho rằng, chỉ khi nào Đảng chấp nhận cạnh tranh chính trị với các tổ chức khác, để người tốt hơn lên lãnh đạo đất nước, thì khi đó, mới có một nhà nước của dân, do dân và vì dân. Lúc đó, giới lãnh đạo mới toàn tâm, toàn ý phụng sự đất nước, quốc gia và dân tộc.

 

Trà My – Thoibao.de