Tô Ân Xô “tháo chạy” khỏi Phủ Chủ tịch. Thế lực mới đang nhen nhóm trỗi dậy?

Ngày 4/9, Văn phòng Trung ương Đảng công bố các quyết định của Ban Bí thư, về việc bổ nhiệm Tướng Tô Ân Xô làm Trợ lý của Tổng Bí thư Tô Lâm và phụ trách Văn phòng Tổng Bí thư.

Hiện ông Tô Lâm là ông chủ của Ban Bí thư, như vậy, Ban Bí thư quyết, cũng chính là Tô Lâm quyết.

Ông Tô Ân Xô mới chuyển từ Bộ Công an sang Phủ Chủ tịch chưa lâu, thì nay lại “tháo chạy” sang Văn phòng Tổng Bí thư. Tô Lâm ở đâu, thì Tô Ân Xô sẽ ở đấy. Khi Tô Lâm kéo đồ đệ ra khỏi Phủ Chủ tịch, cho thấy, dấu hiệu Tô Lâm sắp rút khỏi ghế Chủ tịch nước.

Như vậy là, hiện nay, người của Bộ Công an đang tụ về Văn phòng Trung ương Đảng ngày một đông. Chuyển đến cơ quan này sớm nhất là Tướng Nguyễn Duy Ngọc, để dọn đường, thực hiện các bước chuẩn bị cho Tô Lâm đến sau. Giờ ông Tô Lâm đã trở thành chủ nhân của Văn phòng Trung ương Đảng, thì ông kéo đồ đệ thân tín sang phục vụ mình.

Ở chiều ngược lại, Đại tướng Lương Cường – Thường trực Ban Bí thư, rất có thể sẽ phải chuyển từ Ban Bí thư sang Phủ Chủ tịch. Nhiều nhà quan sát dự đoán, thời gian tới, cánh quân đội sẽ hình thành liên minh mới, còn Tô Lâm thì Công an hóa Ban Bí thư, để củng cố vững chắc cho chiếc ghế mà ông đang ngồi.

Việc nhả ghế Chủ tịch nước là một bước nhượng bộ của ông Tô Lâm. Bởi nhả chức này ra, thì quyền lực của ông không suy giảm, vì ghế Chủ tịch nước chỉ nặng tính nghi lễ, không thực quyền. Tuy nhiên, với cánh quân đội, nếu họ giành được ghế Chủ tịch nước, và hình thành được liên minh giữa người đứng đầu Phủ Chủ tịch và người đứng đầu Bộ Quốc phòng, thì liên minh này có thể gây bất lợi không nhỏ cho Tổng Bí thư Tô Lâm.

Dư luận trước đây quan tâm đến vị trí Chủ tịch nước, vì sự “xui xẻo” liên tục của những người chủ chiếc ghế này, chứ không phải quan tâm đến quyền lực mà ghế này đem lại. Bởi chức vụ Chủ tịch nước thiên về nghi lễ, bị xem là “hữu danh vô thực”. Chính vì vậy, chủ nhân chiếc ghế này có danh mà không có thực quyền, nên rất dễ bị xô đổ.

Tuy nhiên, một khi ghế này rơi vào tay phe quân đội, thì rất có thể, phe nhóm này sẽ toan tính để hình thành nên một thế lực mới, cân bằng với quyền lực của ông Tô Lâm hiện nay.

Với việc ông Tô Ân Xô chuyển từ Phủ Chủ tịch sang Văn phòng Tổng Bí thư, cho thấy, ông Tô Lâm bị buộc phải nhường một phần quyền lực, đồng thời, trên chính trường đang nhen nhóm hình thành một thế lực mới. Nếu thành công, thế lực mới này có thể cân bằng với thế lực của Tô Lâm.

Ông Tô Lâm đã tiến chiếm ghế Tổng Bí thư bằng cách sử dụng Bộ Công an, nên đã gây thù chuốc oán với rất nhiều thế lực khác trong Đảng. Muốn an vị trên “ngôi báu”, ông phải tiếp tục dùng Bộ Công an, để kiểm soát đối thủ – những kẻ muốn hạ bệ ông. Thậm chí, ông cần phải dự đoán kẻ thù trong tương lai, và ra tay triệt hạ trước.

Phe quân đội có thuận lợi rất lớn, đó là, công an không được xen vào, không được điều tra. Do đó, công cụ mà ông Tô Lâm đã sử dụng rất hiệu quả, để hạ bệ các thế lực khác, sẽ không còn tác dụng đối với quân đội. Chính vì hiểu rõ điều này, nên ông Trọng đã kéo Tướng Lương Cường về trấn giữ Ban Bí thư, ngăn chặn các đòn tấn công của Tô Lâm đối với Ban này. Chỉ tiếc là, ông Trọng trám lỗ hổng này chưa lâu, thì đã qua đời.

Yếu điểm duy nhất của phe quân đội là manh mún, không đoàn kết. Chính vì thế, mới để Tô Lâm và phe Công an vượt lên. Đây là cơ hội để phe quân đội lấy lại vị thế, nếu không làm lúc này, thì rất khó có được cơ hội tốt hơn.

Vì nếu để Tô Lâm có thời gian củng cố lực lượng, muốn lấy lại vị thế rất khó.

 

Hoàng Phúc – Thoibao.de