Ngày 5/9, Diễn đàn VOA Tiếng Việt có bài bình luận của tác giả Đinh Hoàng Thắng, với tựa đề “Nguyễn Đình Bin: Vận nước đã đến chưa?”.
Tác giả cho hay, cụ Nguyễn Đình Bin, với bề dày về ngoại giao, khi viết lá thư ngỏ chứa đựng những kiến nghị liên quan đến thay đổi thể chế, đã nung nấu, nghiền ngẫm, kiểm nghiệm, chắt lọc, từ lúc ông bắt đầu đi theo con đường Cộng sản, trong hàng ngũ Đội Thiếu niên kháng chiến, và từ thực tiễn hơn nửa thế kỷ được giáo dục, rèn luyện và chiến đấu trong đội ngũ của Đảng.
Tác giả cho biết, thật ra, từ năm 2015, từng có 127 nhân sỹ, trí thức gửi “Thư ngỏ”, ủng hộ quá trình chuyển đổi dân chủ. Thư được đề chuyển các nhà lãnh đạo, các đại biểu dự Đại hội 12, và toàn thể đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Lần này, đúng dịp Quốc khánh 2/9, cụ Bin đã liệt kê ra ít nhất 4 văn bản mà cụ đã gửi lên Đảng, với cùng một chủ đề “Góp ý với Đảng Cộng sản Việt Nam về Đổi mới chính trị”. Ấy vậy mà, tất cả đều như “nước đổ đầu vịt”. Hình như, không hề có bất cứ một sự phản hồi chính thức nào, ít nhất từ các uỷ viên có trách nhiệm trong Bộ Chính trị.
Tác giả nhận xét, nội dung các kiến nghị của cụ Bin, đưa ra vào nhiều thời điểm khác nhau, nhưng đều nhấn mạnh “Đảng phải thực hiện đổi mới chính trị thực sự, toàn diện và triệt để”, và đề xuất những sáng kiến nhằm bảo vệ Đảng, trước các nguy cơ thách thức sống còn, và khẳng định rằng, chỉ có Đảng mới tự cứu được chính mình.
Đáng tiếc, hơn 4 năm trước, 10 nội dung chi tiết cụ đề xuất với Đảng nhân Đại hội 13, không hề được cứu xét.
Còn lần này, Facebook đã gỡ bài viết xuống, với lý do các bài viết ấy “cố tìm cách thu thập thông tin nhạy cảm của người khác”.
Tác giả cũng cho hay, tất nhiên, cụ Bin đã phản đối quyết liệt, và đòi Facebook phải khôi phục lại các bài viết của mình.
Rõ ràng, sự tiến hóa của trái tim Nguyễn Đình Bin đã vượt xa tư duy và bản lĩnh của lãnh đạo Đảng.
Tác giả đặt vấn đề, động lực nào khiến cụ Nguyễn Đình Bin, với trái tim trong trắng bao lần bị tổn thương, với tư duy logic bao lần bị phớt lờ, mà vẫn không nao núng, vẫn kêu gọi Đảng thay đổi về nhận thức, tư tưởng, đối với các giá trị dân chủ, nhân quyền và tự do?
Tác giả dẫn trao đổi của một số anh em từ Viện Khoa học, câu trả lời là, dù không chuyên về AI, nhưng với tư duy logic, cụ Bin nhận biết rằng, một khi “đạo hàm đổi dấu”, thì “trend” mới sẽ xuất hiện!
Vì vậy, cụ quả quyết, giờ là lúc:
“Mọi điều kiện chủ quan và khách quan, đối nội và đối ngoại, đã quá chín muồi, để Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện cuộc cách mạng trọng đại và cấp bách về tư tưởng! Thời cơ lịch sử, vận Nước cũng như vận Đảng đang đến! Phải quyết tâm nắm lấy! Không được bỏ lỡ!”
Tác giả nhận định, Tô Đại tướng, từ cương vị một Bộ trưởng Công an, đã nhanh chóng đạt đến ngôi “cửu trùng”. Bước ngoặt này chắc chắn gây bất ngờ đối với rất nhiều đồng chí trong Đảng. So với tiền nhân, thời gian “nằm gai nếm mật” của Tô Đại tướng chưa hẳn “đủ dày”, nhưng ai dám nói, Tô Lâm không có công lớn trong sự nghiệp dang dở của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
Tác giả đặt câu hỏi: Liệu Tô Đại tướng đã tích lũy đủ trí huệ cho giai đoạn “trị quốc – bình thiên hạ”?
Tác giả dẫn bình luận của nhà giáo Thái Hạo, rằng, làm một cuộc cách mạng thì dễ, thay đổi não trạng một dân tộc mới là khó.
“Khi dân trí và văn hóa chính trị của giới chóp bu chưa chuyển, thì vận nước cũng khó đến trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, nếu có thêm được các yếu tố may mắn (thiên thời – địa lợi), Đại tướng Tô Lâm có thể tận dụng thời cơ vàng, hay như người Pháp thường nói, đón bóng đúng tầm sẽ ghi bàn.”
Ý Nhi – thoibao.de