Thăm Cuba, Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ làm gì để giúp Đảo quốc Cộng sản thoát nghèo đói?


Ngay sau khi kết thúc Hội nghị Trung ương 10, Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm cùng đoàn tùy tùng, đã rời Hà Nội, đi Hoa Kỳ, từ ngày 21/9. Sau khi kết thúc chuyến công tác tại Mỹ, ông Tô Lâm sẽ thăm chính thức Cuba.

Gần đây, tờ The Economist đã gọi ông Tô Lâm là một “người cứng rắn, thích Chủ nghĩa Tư bản phương Tây, và đặc biệt thích hưởng thụ”, nhằm ám chỉ vụ tai tiếng ăn món “bò dát vàng”, tại một nhà hàng cao cấp ở London.

Việc Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm đến thăm Cuba lần này, theo giới quan sát, chỉ nhằm mục đích làm vừa lòng các “đồng chí” thuộc thành phần bảo thủ trong Đảng.

Ngày 16/9, truyền thông quốc tế đưa tin, nhà nước Cộng sản Cuba đã cắt phải giảm 25% khẩu phần bánh mì hàng ngày, vốn được nhà nước bao cấp, từ 80 gram xuống còn 60 gram. Điều này đã khiến số đông người Cuba phải đối mặt với cuộc sống ngày càng khó khăn hơn.

Bánh mì là một trong những loại thực phẩm cơ bản ít ỏi, vẫn được bao cấp ở Cuba. Trong khi, thu nhập của nhiều người Cuba vào khoảng 4.648 peso/tháng, tương đương 15 USD, không đủ khả năng để mua bánh mì trên thị trường tư nhân, khiến họ không còn nhiều lựa chọn khác.

Cùng với mùa màng thất bát, Cuba hiện đang thiếu hụt nghiêm trọng lương thực, nhiên liệu và thuốc men. Tình trạng này đã dẫn đến cuộc di cư kỷ lục của công dân Cuba, chạy trốn sang Hoa Kỳ. Đồng thời, những khó khăn này đã làm bùng phát các cuộc biểu tình, từ tháng 3/2024, bắt đầu từ thành phố Santiago, rồi dần dần lan sang những thành phố khác.

Do quá thiếu thốn, Thủ tướng Cuba đề nghị giảm số lượng người được hưởng chế độ phân phối theo tiêu chuẩn bao cấp. Giới quan sát đánh giá, đây là chọn lựa đáng ngạc nhiên của Chính phủ đảo quốc Cộng sản này. Bởi nếu chính sách bao cấp mất đi, đồng nghĩa, Chủ nghĩa Xã hội ở đảo quốc này sẽ bị chôn vùi.

Giới phân tích quốc tế so sánh sự phát triển của 2 quốc gia – Singapore và Cuba – cùng giành được độc lập vào năm 1959.

Lúc đó, Cuba có lợi thế hơn hẳn Singapore, cộng với điều kiện địa lý lý tưởng do thiên nhiên ban tặng. Nhưng đến nay, Cộng hòa Cuba đã trở thành một đất nước tàn tạ, sau 65 năm theo đuổi Chủ nghĩa Cộng sản. Trong khi đó, Singapore đi theo con đường Tư bản Chủ nghĩa, đã trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới.

Cũng bởi theo đuổi Chủ thuyết Cộng sản, đến năm 1986, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa đất nước đến bên bờ vực của sự sụp đổ. Lúc đó, Ban lãnh đạo Việt Nam buộc phải quyết định cải cách kinh tế, chuyển đổi từ mô hình từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường. Điều đó đồng nghĩa với việc, chính quyền đã từ bỏ học thuyết Chủ nghĩa Cộng sản với nền kinh tế kế hoạch, để đi theo con đường kinh tế thị trường của Chủ nghĩa Tư bản.

Trung Quốc, Việt Nam và một số quốc gia Đông Âu thành công về kinh tế, sau khi từ bỏ chủ thuyết Cộng sản, vứt bỏ nền kinh tế tập trung theo mô hình Xô viết, để chuyển sang kinh tế thị trường. Chỉ cần so sánh giữa các nền kinh tế đã từ bỏ chủ thuyết Cộng sản, từ bỏ chế độ bao cấp, với nền kinh tế Cuba, có thể thấy, Đảo quốc Cộng sản này đã thất bại thê thảm ra sao.

Trên mạng xã hội, người dân đặt câu hỏi, không biết, khi đến Cuba, Tổng Bí thư Tô Lâm có để lại cho Ban lãnh đạo Đảo quốc này lời khuyên nào đó hay không? Có thể là, Cuba hãy học theo Việt Nam cách đây 38 năm, tiến hành một cuộc cải cách kinh tế, để đưa đất nước thoát ra khỏi nghèo nàn lạc hậu như hiện nay. Hay Tổng Bí thư Tô Lâm với triết lý “sống chết mặc bay”, và bỏ mặc người đồng chí Cộng sản ở bên kia bán cầu?

 

Trà My – Thoibao.de