Theo một số đánh giá, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm được cho là một lãnh đạo có xu hướng theo Chủ nghĩa Tư bản, thực dụng và hưởng thụ. Trong khi, người tiền nhiệm của ông là Tổng Bí thư Trọng, được đánh giá là một nhân vật bảo thủ, bởi sự kiên định với Chủ nghĩa Xã hội.
Trong những ngày gần đây, dường như được bật đèn xanh, truyền thông nhà nước liên tục đưa tin về việc xử lý nghiêm khắc đối với các quan chức tham nhũng. Báo Pháp Luật Đời Sống, ngày 24/9, đưa tin “Cựu Kế toán trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương bị tuyên án tử hình”.
Bản tin cho biết, kết thúc phiên tòa ngày 23/9, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên bị cáo Nguyễn Hoàng – cựu Trưởng phòng Tài chính Kế toán, cựu Kế toán trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, mức án tử hình, vì tội “Tham ô tài sản”.
Theo cơ quan điều tra, trong quá trình quản lý, từ năm 2017 đến năm 2023, bị cáo Nguyễn Hoàng đã sử dụng 6 tài khoản ngân hàng, để viết khống 409 giấy rút tiền, rút hơn 246 tỷ đồng, nhưng chỉ nhập quỹ 94 tỷ, còn 152 tỷ đồng bị cáo Hoàng sử dụng cá nhân. Phải đến tháng 2/2023, do nội bộ ăn chia không đều và tố cáo lẫn nhau, thì vụ việc mới vỡ lở.
Liên quan đến vụ án, Hội đồng Xét xử cũng tuyên phạt 2 cựu Viện trưởng Viện này, là bị cáo Đặng Đức Anh và Nguyễn Trần Hiển, với mức án 3 năm tù; cựu Kế toán trưởng Phạm Sơn Thủy 4 năm tù, về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Theo cáo trạng, các bị cáo này đã không kiểm tra, giám sát… trước khi ký duyệt, dẫn đến việc bị cáo Hoàng có thể biển thủ công quỹ trong thời gian dài, nhưng không bị phát hiện.
Trên mạng xã hội, có nhiều ý kiến cho rằng, số tiền khổng lồ 154 tỷ đồng trong vòng 7 năm “không cánh mà bay”, là tiền thuế từ mồ hôi nước mắt do người dân đóng góp.
Việt Nam không phải là nước đầu tiên hay duy nhất đề cập đến đảng phái chính trị trong hiến pháp. Trong quá khứ cũng như hiện tại, các quốc gia như Liên Xô, Trung Quốc, Bắc Hàn và Cuba, cũng có những điều khoản, khẳng định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Thực chất, Điều 4 Hiến pháp 1980 được xây dựng dựa trên sự tham khảo Điều 6 Hiến pháp Liên Xô.
Điều 4 Hiến pháp Việt Nam 1992 lại được xây dựng trên cơ sở điều 4 Hiến pháp 1980, chỉ bỏ đi từ “duy nhất”, sau khi hệ thống Xã hội Chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ. Tuy nhiên, việc này cũng không làm nhẹ đi vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong khi, khái niệm đa đảng còn là vấn đề hết sức nhạy cảm.
Mới đây, ông Hoàng Tùng Thiện, đồng sáng lập đảng Lạc Hồng, người đã kêu gọi đa đảng chính trị cho Việt Nam, vừa bị Tòa án Nhân dân Hà Nội tuyên án 6 năm tù, vào ngày 10/9.
Trước khi lên đường đi Mỹ ít giờ, Tổng Bí thư Tô Lâm đã quyết định trả tự do cho 2 nhân vật nổi tiếng, là ông Trần Huỳnh Duy Thức và bà Hoàng Thị Minh Hồng, nhằm giảm bớt các áp lực của quốc tế.
Công luận thấy rằng, Điều 4 Hiến pháp xác định vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, liên quan đến những vấn đề trọng đại của quốc gia, là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất. Trong khi, thể chế chính trị độc đảng, độc tôn của Việt Nam hiện nay, đã vô hiệu hóa các thiết chế kiểm tra, giám sát, cũng như việc điều chỉnh quyền lực.
Sự tồn tại của Điều 4 đã dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”, như vụ việc sai phạm ở Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, là một trong hàng vạn các vụ việc tham nhũng ở mọi cấp, từ Trung ương đến địa phương.
Đã đến lúc, Tổng Bí thư Tô Lâm và ban lãnh đạo Đảng phải nghiêm túc nhìn nhận, và xem xét sửa đổi Điều 4 Hiến pháp 1992.
Không phải không có lý, khi người Việt Nam thường mỉa mai chua xót rằng, “thằng ấy là đảng viên nhưng nó vẫn là người tốt”.
Trà My – Thoibao.de