Bị Tô Lâm “chơi trò” săn mồi, liệu Vương Đình Huệ có “tai qua nạn khỏi”?

Báo chí nhà nước đã bật đèn xanh nói về mối liên hệ của ông Vương Đình Huệ với Nguyễn Duy Hưng-Chủ tịch Tập đoàn Thuận An. Báo chí cũng đã nêu đích danh kết quả sau bữa sáng của Nguyễn Duy Hưng với “Cựu bí thư Thành Ủy Hà Nội” là dự án Cầu Vĩnh Tuy 2. Xem như báo chí đã buộc tội Vương Đình Huệ nhưng chưa dám nêu tên.

Sau cú ngã ngựa vì để “hở sườn”, Vương Đình Huệ hiện nay xem như không còn cơ hội để “tranh hùng tranh bá” trên vũ đài chính trị. Vậy thì vì sao ông Tô Lâm lại lôi Vương Đình Huệ ra xử tiếp tục, ông Tô Lâm làm thế nhằm mục đích gì?

Hiện nay ông Vương Đình Huệ như cá nằm trên thớt, không có cơ hội tự bảo vệ mình trước Tô Lâm. Mặc dù chưa có kết luận của cơ quan điều tra Bộ Công an về tội của ông Huệ, nhưng với lời lẽ của báo chí thì xem như bản cáo trạng đã được công khai. Vương Đình Huệ khó thoát tội.

Việc đem Vương Đình Huệ ra làm “con mồi” để phục vụ thú vui “đi săn” của mình, ắt Tô Lâm có ý đồ chứ không phải làm tùy hứng. Lâu nay, tên tuổi của các nhân vật tứ trụ về hưu vẫn là vùng cấm. Tuy báo chí lần này không nhắc tên ông Huệ nhưng họ đã xâm phạm vùng cấm ấy rồi. Với cách ám chỉ rõ ràng như thế, chẳng khác nào kết tội ông Huệ.

Bộ Công an lâu nay mang tiếng là cơ quan vi phạm pháp luật nghiêm trọng, họ bị dân xem là lực lượng chà đạp luật pháp Việt Nam nhiều nhất. Không phải ngẫu nhiên mà dân gọi họ bằng cái tên không mấy thân thiện “Luật là tao, tao là Luật”.

Nếu đem một nhân vật lớn như Vương Đình Huệ lên thớt, cụ thể là cho xộ khám như Đinh La Thăng thì Tô Lâm sẽ nhận mưa lời khen. Đây là cơ hội tốt cho Tô Lâm để làm điều đó, nhưng liệu Tô Lâm có thực hiện hay không thì còn phải chờ xem. Một nhân vật được xem là “đại bàng” gãy cánh thì có thể bị thợ săn “thịt” nó bất kỳ lúc nào. 

Cũng có thông tin cho rằng, Tô Lâm và Lương Tam Quang đang muốn moi những nhân vật cộm cán đã về vườn ra “trấn lột”, bởi những người này có tài sản chìm rất lớn. Cùng là đồng liêu với nhau, ắt Tô Lâm biết túi tiền của Vương Đình Huệ là nơi mà nhóm Hưng Yên của ông có thể kiếm chác. Vương Đình Huệ muốn yên phải chịu chi. Đây là giả thiết có khả năng xảy ra cao nhất. Một số người quan sát cho rằng, việc cho báo chí nhắc khéo chỉ là cách nhắc Vương Đình Huệ biết phải làm gì để được yên.

Ông Nguyễn Xuân Phúc là trường hợp có thể là kiểu mẫu cho Vương Đình Huệ. Khi mới lên, Tô Lâm đánh động dư luận ngoài luồng rằng, ông sẽ “thịt” ông Cựu Chủ tịch nước. Và sau đó thì mọi việc êm xuôi. Thông tin nội bộ cho biết, ông Bảy Phúc đã phải dốc hầu bao ra chạy chọt mới được yên.

Rất có thể Tô Lâm muốn dùng trò chơi “săn mồi” với Vương Đình Huệ là để săn tiền. Bởi hiện nay, quan hệ giữa các nhóm chính trị với nhau theo dạng “cá lớn nuốt cá bé” trong hậu trường. Kẻ ngã ngựa là tham ô trực tiếp, kẻ chiến thắng là kẻ trấn lột lại kẻ tham ô. Tầng tầng lớp lớp đằng sau vũ đài chính trị là những màng trấn lột như thế.

Ăn trực tiếp trên dự án rất dễ bị bóc phốt, ăn lại đồng tiền bẩn của kẻ tham nhũng thì chắc chắn không thể truy ra nguồn gốc. Đấy mới là đỉnh cao của trò kiếm tiền của giới quan chức hiện nay. Không phải ai cũng đủ khả năng làm “cướp kẻ cướp” như thế, phải có lợi thế chính trị vượt trội, phải nắm bộ máy điều tra khổng lồ, phải có kho dữ liệu đen khổng lồ mới đủ điều kiện làm tiền theo cách như thế.

Dự đoán, Vương Đình Huệ sẽ “tai qua nạn khỏi”, bởi không ai hiểu ý đồng chí bằng chính những đồng liêu của họ. 

Trần Chương -Thoibao.de