VTV vẫn chưa chừa thói đưa tin vịt

Ngày 30/9, RFA Tiếng Việt đăng bình luận “Vua Tin Vịt Vơ Tiền Về (VTV)” của tác giả Nguyễn Nhơn.

Tác giả đề cập đến một phóng sự trên VTV, ghi lại bữa ăn của một trong những em bé học sinh tại điểm trường Màng Mủ, trường mầm non Mồ Dề, xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.

Trọng tâm của phóng sự này là:

Phóng viên VTV cho biết, bé A., 5 tuổi, mang một chén cơm với gừng đi ăn trưa tại trường.

Theo phóng viên VTV, do hoàn cảnh quá khó khăn, gia đình không có thức ăn nào khác, nên các bé học sinh ở điểm trường này thường xuyên phải ăn cơm trắng với gừng chấm muối. Một số cháu khác ăn cơm với đường. Trường có 141 cháu, từ 2 đến 5 tuổi. 98% dân số huyện này là người Mông.

Tuy nhiên, tác giả cho biết, ngay hôm sau, trước ống kính của các phóng viên khác, anh Hờ A Dê – cha của bé A., hồn nhiên nói: Hôm ấy, anh đang chuẩn bị chiên trứng cho con mang đi, thì phóng viên VTV đến hỏi có gừng không, thái một ít bỏ vào cặp lồng cơm cho cháu. Anh Dê bèn vác cuốc ra vườn sau nhà đào thêm gừng.

Rồi anh Dê thái gừng xong, phóng khoáng bỏ vào cặp lồng cho con, và đã đến giờ đưa cháu đi học, nên vội không kịp cả chiên trứng.

Tác giả cũng cho biết, tuy nhà anh Hờ A Dê có nhiều gừng, nhưng anh còn trồng lúa, thu hoạch đều đều mỗi năm 30 bao thóc. Anh Dê còn siêng năng đi làm thuê kiếm thêm tiền, và có “lương chức vụ” là 1,3 triệu đồng/ tháng, do anh kiêm chức Tổ phó An ninh của bản.

Năm nay, gia đình anh Dê có tên trong danh sách được chính quyền hỗ trợ 60 triệu đồng để làm nhà mới. Còn hàng ngày, con anh vẫn được ăn cơm với cá, thịt, trứng…

Theo tác giả, trẻ em miền núi thiếu ăn, ăn không đủ dinh dưỡng, là sự thật. Nguyên nhân có thể từ gia đình chúng, hoặc từ chính nhà trường, hay sự bất cập trong chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Nhưng, trong vụ việc cụ thể này, không thể lấy điều đó để lấp liếm việc VTV đã dựng lên một câu chuyện không có thật.

Vẫn theo tác giả, chỉ sau một ngày khi “phóng sự” của VTV lên sóng, Đoàn kiểm tra của huyện Mù Cang Chải, đặc biệt là phóng viên các báo khác, đều đến tìm hiểu. Sự thật sau đó đã được phơi bày. VTV đã xóa video trên tất cả các nền tảng xã hội.

Nhưng bất ngờ vẫn còn ở phía trước, tác giả dẫn khẳng định trên trang Facebook của VTV, rằng, họ có đủ chứng cứ để chứng minh phóng sự trên hoàn toàn là sự thật, và “sẽ sớm liên hệ với Uỷ ban Nhân dân huyện Mù Cang Chải để làm rõ”.

Tác giả cho hay, trong nội bộ làng báo Việt Nam, VTV được gọi chết tên là “Vua Tin Vịt” hay “Vơ Tiền Về”, tùy thuộc vào nội dung. Nhiều phóng viên có thể chứng thực về cách quay “phóng sự”, nhưng hoàn toàn sắp xếp, dàn dựng sai sự thật, để phục vụ ý đồ của mình, của không ít phóng viên VTV.

Tác giả nhận xét, những vụ thông tin sai sự thật của VTV đều rất giống nhau: chọn chủ đề nóng, hoặc đánh vào tâm lý giàu cảm xúc của người Việt, rồi dàn dựng, phân vai… Tuy thế, những lỗi sai nghiêm trọng, khi được phát sóng rộng rãi lại rất dễ phát hiện, vì khán giả có thể tự mình đối chứng với sự thật, cho dù nó diễn ra ở miền núi hay nước ngoài.

Trong nhiều trường hợp, VTV biện bạch, do phóng viên chỉ đang tập sự, nên trình độ non kém. Nhưng càng nói, VTV càng chứng tỏ sự non kém của cả hệ thống VTV, và đặc biệt, họ phủi tay thật nhanh.

Tác giả đặt vấn đề, nếu xã hội, khán giả không phát hiện và làm ầm lên, liệu VTV có tự phát hiện những thông tin sai sự thật của mình, hay vẫn tiếp tục sừng sững là cơ quan báo chí quốc gia, và kêu gọi tiền đóng góp ủng hộ cho các chương trình đẫm nước mắt, đầy nhân văn?

Tác giả kết luận, sai sót thì ai cũng có, cơ quan nào cũng có. Nhưng để sai sót một cách chủ động, nghiêm trọng, có hệ thống và bài bản, như các vụ việc đã xảy ra trên VTV, thì khó trách, vì sao họ mãi được độc quyền cái tên Vua Tin Vịt.

 

Ý Nhi – thoibao.de