Ngày 8/10, BBC Tiếng Việt cho hay “Trung Quốc có căn cứ quân sự thường trực tại Campuchia không?”
Theo đó, từ vệ tinh, trong hầu hết cả năm nay, tại căn cứ hải quân Ream của Campuchia, có thể nhìn thấy tàu hộ tống Type A56 của hải quân Trung Quốc. Tàu này đã neo đậu bên cạnh một cầu tàu mới, do Bắc Kinh xây dựng, vốn đủ lớn để chứa các tàu lớn hơn nhiều. Trên bờ có các cơ sở khác, cũng do Trung Quốc xây, được cho là để hải quân nước này sử dụng.
BBC cho biết, Chính phủ Campuchia đã nhiều lần phủ nhận khả năng Trung Quốc sử dụng căn cứ Ream, viện dẫn việc Hiến pháp của họ cấm mọi sự hiện diện quân sự thường trực của nước ngoài, và tuyên bố rằng, căn cứ Ream mở cửa cho tất cả các lực lượng hải quân thân thiện sử dụng.
Dù có nhiều bàn tán về sự trỗi dậy nhanh chóng của sức mạnh hải quân Trung Quốc, với lượng tàu chiến nhiều hơn Mỹ, thì hiện, Trung Quốc chỉ có một căn cứ quân sự ở nước ngoài, tại Djibouti ở châu Phi, được xây dựng vào năm 2016.
BBC cũng cho biết, ngược lại, Mỹ có khoảng 750 căn cứ. Tuy nhiên, Mỹ tin rằng, sự mất cân bằng đang thay đổi, bởi tham vọng rõ ràng của Trung Quốc muốn trở thành một cường quốc quân sự toàn cầu. Tham vọng đó và quy mô đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở nước ngoài, thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường, mà theo luật Trung Quốc, phải được xây dựng theo tiêu chuẩn quân sự.
Theo BBC, vài năm trước, căn cứ quân sự Ream – nằm ở cực nam của Campuchia – còn được nâng cấp với sự hỗ trợ của Mỹ. Nhưng Mỹ đã cắt giảm viện trợ này sau năm 2017.
Phía Campuchia tuyên bố rằng, các tàu nói trên là để huấn luyện, và chuẩn bị cho cuộc tập trận Rồng Vàng năm nay. Campuchia cũng nói rằng, Trung Quốc đang đóng 2 tàu hộ tống A56 mới cho hải quân của họ, và nhấn mạnh rằng, sự hiện diện của Trung Quốc tại Ream không phải là lâu dài, do đó không được tính là một căn cứ.
BBC nhắc lại, năm 2019, tờ Wall Street Journal đưa tin về một thỏa thuận bị rò rỉ, giữa Campuchia và Trung Quốc, để thuê 77 hecta căn cứ này trong 30 năm. Thỏa thuận này được cho là bao gồm việc đồn trú quân nhân và vũ khí.
BBC dẫn nhận xét của nhà nghiên cứu chính sách cấp cao Kirsten Gunness, từ Mỹ, cho rằng, về mặt kỹ thuật, đúng là Ream không phải là căn cứ thường trực của Trung Quốc. Và mặc dù được Trung Quốc tài trợ để mở rộng, nhưng bản thân căn cứ này không được cho Trung Quốc thuê.
“Một cách để lách luật cấm theo Hiến pháp, là không gọi đó là căn cứ nước ngoài, mà cho phép các lực lượng nước ngoài tiếp cận liên tục theo cơ chế luân phiên” – Bà Gunness nói thêm.
Vẫn theo BBC, các quan chức an ninh quốc gia Thái Lan cũng bày tỏ sự lo ngại một cách kín đáo, về một căn cứ của Trung Quốc ngay phía nam cảng chính của hải quân Thái Lan, tại Sattahip, che lấp lối ra của họ từ vịnh Thái Lan.
Tuy nhiên, cả Việt Nam và Thái Lan không có khả năng công khai nêu lên những phàn nàn này. Thái Lan muốn tránh gây ra những cơn sóng trong mối quan hệ kinh tế quan trọng với Trung Quốc, trong khi, Việt Nam muốn tránh kích thích tâm lý chống Việt Nam ở Campuchia.
Tuy nhiên, rất ít nhà phân tích tin rằng, Trung Quốc sẽ có thể cạnh tranh với phạm vi quân sự toàn cầu của Mỹ, trong nhiều năm nữa.
BBC dẫn đánh giá của ông Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á của CSIS, rằng:
“Căn cứ Ream không đóng góp nhiều vào việc thể hiện sức mạnh – không giúp hải quân Trung Quốc tiến gần hơn đến những nơi họ muốn đến.”
Những gì căn cứ này có thể làm, là tạo ra sự khác biệt lớn trong việc thu thập thông tin tình báo, theo dõi vệ tinh, và phát hiện hoặc giám sát các mục tiêu tầm xa.
Ý Nhi – thoibao.de