Mở cuộc thi về sách của Tổng Trọng chỉ phục vụ nhu cầu của Đảng

Ngày 9/10, RFA Tiếng Việt bình luận “Mở cuộc thi về sách của ông Nguyễn Phú Trọng giúp ích gì?”

Theo RFA, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hôm 8/10 tại Hà Nội, vừa tổ chức phát động cuộc thi toàn quốc, tìm hiểu về cuốn sách của Tổng Trọng: “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

RFA dẫn ý kiến của thầy giáo Đỗ Việt Khoa – giáo viên trường Trung học Phổ thông Thường Tín – Hà Nội, cho biết:

“Ở Việt Nam chuyện đó thi thoảng vẫn diễn ra, hết tìm hiểu nhân vật này, lại đến nhân vật kia… Trong khi ông Nguyễn Phú Trọng không phải là một nhà viết sách, không phải là một nhà lý luận giỏi, vậy cuộc thi vẽ ra như thế rất lãng phí và không cần thiết. Như chúng tôi đây còn không biết rằng ông Trọng có những tác phẩm gì xuất sắc. Cho nên, tôi thấy không nên tổ chức những cuộc thi như vậy.”

Theo thầy giáo Đỗ Việt Khoa, học sinh còn rất nhiều nhiệm vụ khác phải làm, các cơ quan chức năng cũng còn rất nhiều việc khác phải thực hiện, chứ không phải nên tổ chức cuộc thi như vậy.

RFA dẫn lời ông Trần Anh Quân, một người trẻ hoạt động xã hội, nói:

“Giới trẻ bây giờ bị tình trạng “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị”… chuyện này Đảng Cộng sản cũng phải thừa nhận. Nên họ tổ chức những cuộc thi này để nhồi sọ, buộc học sinh sinh viên phải đọc sách ông Trọng, để trung thành với chế độ. Chứ người trẻ Việt Nam bây giờ mà cầm cuốn sách chính trị nào do Cộng sản viết là cảm thấy ngán ngẩm, có chăng những cuốn sách về chính trị phương Tây thì mới cuốn hút được một số bạn.”

“Chỉ trừ các bạn đoàn viên, sinh viên, học sinh bị ép phải đọc để tham gia cuộc thi, lấy điểm rèn luyện, điểm thi đua thôi. Khi bị tình trạng “nhạt Đảng, khô Đoàn” rồi thì chẳng ai quan tâm tới cuộc thi này, bị ép phải thi thì đọc sơ sơ rồi dùng ChatGPT viết để nộp lấy chỉ tiêu, thì nó chẳng có ý nghĩa gì cả. Có khi viết xong nộp rồi lại chẳng nhớ mình đã viết những gì.”

RFA dẫn lời một phụ huynh ở Việt Nam, cho rằng, văn hoá là sự tích luỹ qua hàng ngàn năm, không phải khi có quyển sách nói về Việt Nam của ông Trọng thì người dân mới hiểu, mới nhận thức về văn hóa, nên kế thừa, bảo tồn và phát huy như thế nào trong đời sống của cộng đồng, xã hội.

Vị phụ huynh nói, “không biết hiệu quả của cuộc thi như thế nào nên không dám nhận xét”. Song, ông nghĩ, “có ai dành thời gian để “đọc hết” quyển sách đó, rồi sau đó nghiền ngẫm, chắt lọc, để viết một bài thi có chất lượng không? Trả lời được câu đó cũng chính là nói lên kết quả cuộc thi!”

RFA cho biết, trong vòng chưa đầy 2 năm, Tổng Trọng đã có ít nhất 3 cuốn sách được báo chí trong nước viết bài ca ngợi, tung hô, chưa kể cuốn “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” nói trên.

RFA dẫn nhận định của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, chuyên gia ngôn ngữ học, cho rằng:

“Mỗi bên, mỗi khối phụ trách tư tưởng, họ ăn lương, ăn tiền thuế của dân… rồi họ ngồi nghĩ ra những chuyện như vậy… Nhưng mà, nó chỉ để thỏa mãn chính nhu cầu của bộ máy, hơn là góp phần soi sáng gì cho nhân dân. Những điều ông Trọng nói, thực tiễn cho biết rằng, cái gì làm được, cái gì không… Mà thực tiễn ngay bây giờ đã phủ nhận.”

RFA cũng cho biết, khi góp ý về 2 cuốn sách của Tổng Trọng, vào tháng 5/2023, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ – từ Na Uy, từng cho rằng, việc giới thiệu những cuốn sách của ông Trọng, như là một cách đánh bóng hình ảnh về một vị lãnh tụ Đảng Cộng sản sắp từ giã chính trường, hơn là đưa ra những kinh nghiệm hay chia sẻ kiến thức hữu ích, nhằm đóng góp vào kiến thức học thuật chính trị, hay cách điều hành quốc gia.

 

Xuân Hưng – thoibao.de