Sau khi ông Lương Cường rời khỏi Ban Bí thư, ông Trần Cẩm Tú đã nhanh chóng nhảy vào ghế quyền lực thứ nhì của Ban này. Đây là một bước tiến quyền lực, tuy nhiên, càng tiến thì đồng nghĩa, Trần Cẩm Tú đang gặp nguy hiểm hơn là có lợi thế. Vì sao?
Theo thông tin chúng tôi nhận được, Tô Lâm muốn giao ghế quyền lực thứ 5 trong Bộ Chính trị cho đàn em của ông, hoặc là Nguyễn Duy Ngọc hoặc là Trần Lưu Quang. Tuy nhiên, cả 2 ông này đều chưa được vào Bộ Chính trị, nên tạm thời, Tô Lâm đành giao ghế Thường trực Ban Bí thư cho Trần Cẩm Tú.
Rất có khả năng, Tô Lâm sẽ đẩy Nguyễn Duy Ngọc vào ghế Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Trần Cẩm Tú. Hiện nay, ông Tú đang thể hiện cho Tô Lâm thấy “lòng tham” của mình, đấy là muốn ôm cả 2 ghế.
Lên ghế Thường trực Ban Bí thư là có thêm quyền lực, tuy nhiên, Trần Cẩm Tú vẫn nằm dưới quyền Tô Lâm. Vậy nên, quyền lực của Trần Cẩm Tú không thể so sánh với Tô Lâm. Hơn nữa, Tô Lâm chỉ coi việc giao ghế Thường trực Ban Bí thư cho Trần Cẩm Tú, là “tạm thời”. Về lâu dài, Tô Lâm cũng phải lấy lại ghế này để giao cho đàn em. Đây chính là mối nguy thường trực cho ông Tú.
Còn Trần Cẩm Tú và Phan Đình Trạc trong Ban Bí thư, thì trong nhà Tô Lâm còn có cọp dữ. Âm mưu Hưng Yên hóa Ban Bí thư đã được Tô Lâm lên kế hoạch và từng bước thực hiện. Vì thế, quyền lực của Trần Cẩm Tú và Phan Đình Trạc tại Ban Bí thư chỉ là tạm thời. Hai người này phải lo củng cố quyền lực, đặc biệt là huy động nhóm uỷ viên Bộ Chính trị gốc Nghệ An – Hà Tĩnh liên minh, mới có khả năng chống lại được kế hoạch của Tô Lâm.
Án dành cho Trần Cẩm Tú vẫn còn đang treo lơ lửng, vụ Công ty Cây xanh Công Minh vẫn đang được Lương Tam Quang cho điều tra. Khi có đủ bằng chứng, Tô Lâm sẽ kéo ngay Trần Cẩm Tú xuống ghế.
Tương tự, với Phan Đình Trạc, Nguyễn Văn Yên vẫn đang trong tay Lương Tam Quang, chưa biết đến lúc nào thì Yên sẽ khai ra những vết chàm của ông Trạc? Vậy nên, Phan Đình Trạc cũng có nguy cơ bị Tô Lâm bứng đi bất cứ lúc nào.
Hiện nay, cả Tô Lâm, Trần Cẩm tú và Phan Đình Trạc, đều đang chạy đua với thời gian. Tô Lâm thì vận động đưa Nguyễn Duy Ngọc và Trần Lưu Quang sớm vào Bộ Chính Trị, để thay thế cho Trần Cẩm Tú và Phan Đình Trạc. Còn ông Trạc và ông Tú cũng đang chạy đua để tiếp tục trụ lại trong Ban Bí thư nhiệm kỳ sau. Nếu cả 2 thành công bám trụ trong Ban Bí thư, thì phe Nghệ An – Hà Tĩnh sẽ tồn tại trong lòng phe Hưng Yên, tạo thế cài răng lược để kìm hãm nhau.
Khi Tô Lâm lên Tổng Bí thư, Nguyễn Hòa Bình đã chọn cách “tháo chạy” sang Chính phủ, xem như an toàn hơn ông Trạc và ông Tú. Cũng có thể, vì Nguyễn Hòa Bình không có thế lực địa phương đủ mạnh để hậu thuẫn, nên dùng kế “tẩu vi thượng sách” chăng? Tuy nhiên, né Tô Lâm thì chẳng thiệt thòi gì, mà còn có cơ hội tiến thân tốt hơn.
Gần như ông Trạc và ông Tú đã không có nơi để rút. Mà cho dù có rút, thì Tô Lâm cũng không tha, bởi Tô Lâm vẫn đang cho đánh vào đàn em của Phan Đình Trạc, và truy đến cùng sân sau Trần Cẩm Tú. Vì thế, dù có “cuốn gói” rời xa Ban Bí thư để tránh Tô Lâm, thì cũng khó thoát.
Tuy nhiên, trong vai trò phó Tổng Bí thư, Trần Cẩm Tú cũng có quyền lực đáng kể. Vì thế, trong thời gian tới, phải xem ông có thể sử dụng lợi thế này để chống lại Tô Lâm hay không? Tất nhiên, Tô Lâm luôn tấn công còn Trần Cẩm Tú chỉ có thể phòng thủ.
Tuy nhiên, gương Phạm Minh Chính còn đó, dù bị tấn công liên tục, nhưng ông Chính vẫn phòng thủ tốt. Đấy là bài học rất hữu ích cho ông Trần Cẩm Tú, để tồn tại ngay trước “nanh vuốt” của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Trần Chương – Thoibao.de