Lương Tam Quang là Bộ trưởng Bộ Công an, không phải Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, cũng không phải là Trưởng ban Đối ngoại Trung ương.
Về mặt nhà nước, người có chức năng đi sứ nước ngoài là Bộ trưởng Ngoại giao Bùi thanh Sơn. Về mặt Đảng, người có chức năng đi sứ là Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung. Như vậy, cả về mặt Đảng lẫn về mặt nhà nước, ông Quang không phải là người đi sứ sang Đức.
Như vậy, có thể hiểu, chuyến đi sứ của ông Lương Tam Quang sang Đức, là một thông điệp cho thấy, ông Tô Lâm không tin dùng Trưởng ban Đối ngoại Trung ương do ông Nguyễn Phú Trọng dựng lên. Chính vì thế, một Bộ trưởng Công an mới có thể được chọn, để thực hiện nhiệm vụ ngoại giao cho Tổng Bí thư.
Ban Bí thư do ông Nguyễn Phú Trọng xây dựng, vẫn đang là bài toán nan giải đối với Tô Lâm. Trong tay Tô Lâm chưa có nhân sự để thay thế tất cả các vị trí, vì vậy, ông phải chấp nhận sống chung với cái di sản không mấy thân thiện này. Tuy nhiên, ông vẫn tìm cách giới hạn quyền lực của những nhân vật này.
Như vậy, trên danh nghĩa, ông Quang chỉ là một Bộ trưởng trong Chính phủ, nhưng lại kiêm luôn vai trò sứ giả cho Tổng Bí thư. Xem ra, ông Tô Lâm đang muốn sử dụng quyền lực của Bộ Công an, để vô hiệu hóa những nhân vật từng được ông Trọng tín nhiệm.
Như vậy, Tô Lâm không chỉ muốn Hưng Yên hóa Ban Bí thư, mà còn thực hiện “Hưng Yên trị” đối với cơ quan này. Khi nhân sự cũ của Ban này chưa được thay thế, thì dùng người đứng đầu Bộ Công an thực hiện những nhiệm vụ quan trọng của Ban, đấy là cách áp đảo tinh thần những nhân vật cũ.
Tô Lâm muốn đưa Nguyễn Duy Ngọc lên, trở thành vị tướng thứ nhì nắm Ban Bí thư. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ này, khả năng Nguyễn Duy Ngọc chưa thể ngồi vào ghế Thường trực Ban Bí thư, vì chưa vào được Bộ Chính trị. Vì vậy, Nguyễn Duy Ngọc buộc phải ở dưới quyền của Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú. Lúc này, Tô Lâm cần Lương Tam Quang hơn bao giờ hết.
Đáng lý ra, khi Tô Lâm chọn Lương Tam Quang làm “sứ giả” sang Đức, thì những người có trách nhiệm như Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Bùi Thanh Sơn, và Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, phải lên tiếng. Nếu 2 nhân vậy này có tiếng nói không đủ mạnh, thì Bộ Chính trị cũng cần chấn chỉnh lại hành vi lạm quyền của Tô Lâm, chứ sao lại để ông tự ý cử người, và gạt người có trách nhiệm sang bên lề.
Rất có thể, lạm quyền là cách mà Tô Lâm dùng, để cướp lấy công việc của những người khác. Từ đó, ông xây dựng một “nhà nước ngầm” của ông, và biến nhà nước chính thức thành bù nhìn chăng?
Nếu Bộ Chính trị và Trung ương Đảng không có cách chấn chỉnh, thì mức độ lạm quyền sẽ ngày càng gia tăng. Đến lúc, Tô Lâm sẽ dùng Lương Tam Quang làm công việc của Trưởng ban Nội chính Trung ương, của Ủy ban Kiểm tra Trung ương vv…
Hưng Yên hóa Đảng Cộng sản, không có nghĩa là Tô Lâm có thể đưa người Hưng Yên lên, thay thế toàn bộ 200 Ủy viên Trung ương Đảng, và 15 uỷ viên Bộ Chính trị. Nếu làm vậy, Tô Lâm lấy đâu ra đủ nhân sự để dùng? Hưng Yên hóa Đảng Cộng sản, chính là dùng người Hưng Yên nắm các vị trí quan trọng, rồi lạm quyền, làm thay công việc của những ban bệ khác.
Rất có thể, đây chính là cách mà Tô Lâm muốn Đảng Cộng sản phải là đảng phục vụ riêng cho nhóm Hưng Yên.
Họp Bộ Chính trị, chỉ cần người Hưng Yên lên tiếng, là cả Bộ Chính trị phải gật theo. Họp Trung ương Đảng thì những gì mà Bộ Chính trị đã “đồng ý”, thì Trung ương Đảng cũng phải gật. Cứ thế, tiếp theo, đến lượt Quốc hội phải gật đầu.
Như vậy, chỉ cần nhóm quyền lực Hưng Yên lạm quyền, điều khiển nhóm cao nhất, thì cả nhà nước Cộng sản sẽ trở thành công cụ của nhóm Hưng Yên.
Trần Chương – Thoibao.de