Việt Nam yêu cầu Trung Quốc thả ngư dân và chấm dứt hành vi quấy nhiễu ở Hoàng Sa

Ngày 31/10, RFA Tiếng Việt loan tin “Bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu Trung Quốc thả ngư dân Việt Nam”.

RFA cho biết, Phó Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, hôm 31/10 đã lên tiếng, yêu cầu Trung Quốc phải thả các ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ, ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp giữa 2 nước, đồng thời tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.

RFA dẫn tuyên bố trong cuộc họp báo cùng ngày, của Phó Phát ngôn nhân Đoàn Khắc Việt, được truyền thông nhà nước loan tải, nói rằng:

“Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng đầy đủ các quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, thả ngay toàn bộ tàu cá và ngư dân Việt Nam bị bắt giữ trái phép, bồi thường thỏa đáng các thiệt hại, và chấm dứt, không để tái diễn các hành động quấy nhiễu, bắt giữ trái phép tàu cá và ngư dân Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.”

RFA dẫn tin từ truyền thông trong nước, cho hay, 2 tàu cá của ngư dân Việt Nam, đánh bắt cá ở ngư trường truyền thống gần quần đảo Hoàng Sa, vào ngày 29/9 vừa qua, đã bị tàu chấp pháp của Trung Quốc tấn công, ngư dân bị đánh, tàu bị đập phá và khoảng 6 tấn hải sản của ngư dân đánh bắt được trên biển đã bị tịch thu.

Theo RFA, các ngư dân Việt Nam sau khi về bờ, đã tường thuật lại vụ việc, và cho biết, có 10 ngư dân đã bị thương trong vụ tấn công này. Tuy nhiên, tin không cho biết có bao nhiêu ngư dân đã bị phía Trung Quốc bắt giữ.

Trước đó, ngày 2/10, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng, bày tỏ sự quan ngại, bất bình, và kiên quyết phản đối cách hành xử mà Phát ngôn nhân Phạm Thu Hằng gọi là “thô bạo”, của lực lượng chấp pháp Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam.

Tuy nhiên, RFA cũng cho biết, sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng, bác bỏ thông tin, lực lượng chấp pháp của nước này đã áp dụng biện pháp mạnh, gây thương tích cho ngư dân Việt Nam.

RFA dẫn câu trả lời của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, khi được một hãng tin quốc tế yêu cầu bình luận về vụ gây thương tích mới nhất cho ngư dân Việt Nam, đã cho rằng, tàu cá Việt Nam đã đánh bắt trái phép trong vùng biển Hoàng Sa.

Quần đảo Hoàng Sa hiện có 3 nước đòi chủ quyền, gồm Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan.

RFA nhắc lại, Việt Nam Cộng hoà và Trung Quốc đã có một cuộc hải chiến ở quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974. Trung Quốc đã chiếm toàn bộ quần đảo này sau trận hải chiến ngắn nói trên, và sau đó xây dựng căn cứ quân sự trên quần đảo này.

“Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Lập trường này đã được Việt Nam khẳng định nhất quán nhiều lần”, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt ngày 31/10 tuyên bố.

RFA cho biết thêm, cũng trong cuộc họp báo, người đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam bày tỏ quan ngại, trước thông tin Trung Quốc triển khai các thiết bị quân sự trên đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Những hình ảnh vệ tinh, do hãng Maxar Technologies của Mỹ thu thập, và qua phân tích của Chatham House, đưa ra trong một báo cáo mới, cho thấy, Bắc Kinh đang xây dựng trên đảo Tri Tôn một hệ thống radar rộng lớn. Hệ thống tiên tiến này được gọi tắt theo tiếng Anh SIAR, theo Chatham House, sẽ tạo nên một thách thức mới cho những nước trong khu vực và cả thế giới, bởi có thể phát hiện một cách có chủ đích các máy bay tàng hình.

Truyền thông quốc tế trước đó đã cho hay, khi hệ thống này đi vào hoạt động, Trung Quốc có thể do thám bao trùm toàn bộ khu vực miền Trung Việt Nam. Trung Quốc có thể gia tăng các tàu bè ra vào cảng Đà Nẵng, các tàu thuyền di chuyển giữa Hải Phòng và Sài Gòn, thậm chí, có thể can thiệp, gây nhiễu hệ thống thông tin liên lạc quân sự và dân sự của Việt Nam, cũng như có thể thu thập tin tình báo.

 

Minh Vũ – thoibao.de