Mới đây, bà Nguyễn Phương Hằng lại tung ra những phát ngôn mới, lan truyền trên mạng xã hội, rằng, bà buộc phải “chiến”. Bởi bà đã “muốn yên lặng rồi”, “mà bỗng nhiên xúm lại chửi” bà.
“Đầu tiên là anh tờ báo gì đó, tờ báo Nông nghiệp nông gì đó. Lên chửi tôi, nào là tư tưởng lệch lạc. Rồi sau đó, tôi đóng tiền cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chửi tôi lại tại sao ủng hộ cho Tổ quốc Việt Nam. Sống làm sao cho vừa.”
Bà nói, bà đã hiểu luật “là quất không trượt phát nào”.
“Bây giờ ông Tuệ ổng nói rằng, ai chửi ổng, ổng cũng chúc cho người đó tu thành Phật. Bữa nay, ông phải kêu tôi bà Phật nha, bởi vì tôi chửi ổng đó. “Cu Tuệ” nghe cho rõ nghe, ông phải kêu tôi là bà Phật. Ông phải chúc phúc cho tôi lên làm bà Phật rồi. Còn ông tu lối tu của ông như thế nào, chủ nhật tôi quất ông cho ông biết.”
Bà Hằng thể hiện một thái độ cực kỳ hằn học, về việc bị dư luận xã hội tấn công.
Tuy nhiên, sau khi bày tỏ phản ứng với dư luận, bà lại đá ngang sang sư Thích Minh Tuệ. Bà tuyên bố “quất” vị tu sĩ đã ẩn cư “không trượt phát nào”, đồng thời lớn tiếng gọi nhà sư này bằng “cu”, rất xách mé, ngạo mạn.
Có nhiều đánh giá cho rằng, bà Nguyễn Phương Hằng có tư duy không bình thường. Bà giận tờ báo nào đấy, bực tức vì dư luận moi móc chuyện quá khứ của bà, nhưng bà lại không đáp trả đúng đối tượng, không tự đưa ra bằng chứng để bảo vệ sự trong sạch của mình. Ngược lại, bà chĩa mũi dùi vào sư Thích Minh Tuệ.
Lần trước, bà cũng đã tuyên bố “quất” sư Thích Minh Tuệ “không trượt phát nào”, vì vậy, bà bị dư luận xã hội chỉ trích mạnh mẽ. Khách đến khu Du lịch Đại Nam vơi hẳn, nguyên nhân được cho là do bà dự định tấn công sư Thích Minh Tuệ.
Sau những phát ngôn lần đầu bị phản ứng, bà đã “đính chính” rằng, bà “quất không trượt phát nào”, nhưng quan trọng là “quất ai”. Rồi bà lôi Việt Tân ra đổ tội, y như cách hành xử của Cộng sản. Tất nhiên, điều này không thể thuyết phục được dư luận, và bà tiếp tục bị dư luận bêu rếu.
Thực tế, không một cá nhân nào có thể chống lại đám đông. Dù không phải đám đông bao giờ cũng đúng, tuy nhiên, để hạ nhiệt chỉ trích, im lặng vẫn là cách tốt nhất.
Ví dụ, khi dư luận chỉ trích ca sĩ Tuấn Ngọc tự sửa lời bài hát Tình Bơ Vơ của Nhạc sĩ Lam Phương, từ “trời vào thu Việt Nam buồn lắm em ơi”, thành “trời vào thu chiều nay buồn lắm em ơi”. Tuy nhiên, đối diện với sự chỉ trích, ca sĩ gạo cội này chọn cách im lặng, không cố phân bua, không đáp trả. Đây được xem là phản ứng hay nhất, khi bị đám đông chỉ trích.
Quay trở lại chuyện bà Hằng, cách thể hiện của bà cho thấy, bà muốn đáp trả những chỉ trích của đám đông nhắm vào bà. Bà nói: “Tôi đã muốn yên lặng rồi mà bỗng nhiên xúm lại chửi tôi”.
Việc chống lại đám đông vẫn luôn là hành động dại dột. Bởi dù giàu có đến mức nào, thì bà cũng chỉ là một cá nhân, trong khi đám đông được ví như đầm lầy, một khi sa vào, càng vùng vẫy thì sẽ càng chìm sâu, không thể thoát ra được. Đấy là sai lầm tai hại của bà CEO Đại Nam này.
Sai lầm thứ nhì là, bà bực tức với dư luận, nhưng lại trút giận lên đầu vị sư đáng kính – người không hề động chạm gì tới bà. Đáng nói là, với người Việt Nam, cả trong và ngoài nước, cả giới bình dân lẫn trí thức, đa số đều kính trọng sư Thích Minh Tuệ. Đấu về lý, về luật, về đạo đức, bà Hằng đều không thể đấu lại với dư luận xã hội, trong đó có nhiều trí thức, mà tiếng nói của họ thường được dân chúng lắng nghe. Còn đấu bằng cách bới móc, thì chắc chắn, bà Hằng sẽ thảm bại.
Có thể nói, bà Hằng đang như “con thiêu thân”, cố lao đầu vào chỗ chết. Bà đang húc đầu vào núi, nhưng lại nghĩ, đầu bà còn cứng hơn cả núi.
Quay đầu là bờ, tuy nhiên, với bà Nguyễn Phương Hằng, có lẽ không có khái niệm “quay đầu”.
Hoàng Phúc – Thoibao.de