Ngày 3/11, BBC Tiếng Việt đưa tin, “Kim Jong Un là đồng minh của Trung Quốc – nhưng đã trở thành đồng chí âm binh”.
Theo BBC, nỗi lo sợ của phương Tây về một liên minh đang nảy nở, giữa 2 nhà lãnh đạo – Vladimir Putin và Kim Jong Un – đã lên đến đỉnh điểm trong những tuần gần đây, với các báo cáo về việc Triều Tiên triển khai hàng ngàn quân, để hỗ trợ cuộc xâm lược Ukraine của Nga.
Điều này diễn ra trước khi Bình Nhưỡng phóng một tên lửa xuyên lục địa bị cấm, vào hôm 31/10, sau khi liên tục chỉ trích Seoul trong nhiều tuần.
BBC dẫn nhận định của nhà phân tích Christopher Green, từ tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG), cho rằng:
“Trung Quốc tìm kiếm mối quan hệ với mức độ kiểm soát hợp lý và cao đối với Triều Tiên.”
“Và mối quan hệ của Triều Tiên với Nga, đe dọa làm suy yếu mối quan hệ đó.”
Nếu nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình không thể định hình liên minh Putin – Kim theo hướng có lợi cho mình, thì Trung Quốc có thể bị kẹt ở giữa, khi sự tức giận và lo lắng của phương Tây gia tăng.
BBC cho biết, Moscow và Bình Nhưỡng phủ nhận việc binh lính Triều Tiên đang hướng tới Ukraine, một bước đi được coi là sự leo thang đáng kể. Nhưng Mỹ cho biết, họ có bằng chứng về điều này, sau những cáo buộc từ tình báo Hàn Quốc và Ukraine.
BBC lưu ý, ngày càng có vẻ như, các đồng minh của Trung Quốc đang vượt khỏi tầm kiểm soát của họ. Bắc Kinh, đối tác cấp cao trong tam giác này, muốn trở thành nhà lãnh đạo ổn định của một trật tự thế giới mới – một trật tự không do Mỹ dẫn dắt. Nhưng điều đó trở nên khó khăn, khi một đồng minh của họ đã khởi sự một cuộc chiến ở châu Âu, và một đồng minh khác bị cáo buộc hỗ trợ cuộc xâm lược ấy.
Vẫn theo BBC, chế độ của ông Kim Jong Un chắc chắn sẽ phải vật lộn để tồn tại, nếu không có nhà tài trợ lớn nhất của họ là Trung Quốc – quốc gia chiếm hơn 90% thương mại quốc tế với Triều Tiên, bao gồm cả thực phẩm và nhiên liệu.
BBC dẫn bình luận của nhà xã hội học Aidan Foster-Carter, người đã nghiên cứu về Triều Tiên trong nhiều thập niên, cho rằng, giờ đây, Bắc Kinh đang đau đớn vì thấy thiếu lòng biết ơn, khi đôi môi của ông Kim Jong-un đang “hôn ở nơi khác”.
BBC cũng cho biết, các nhà phân tích đã chỉ ra rằng, ông Kim đã liên tục nịnh ông Putin hơn ông Tập, trong năm qua. Ông Kim chưa gặp ông Tập kể từ năm 2019, nhưng đã gặp ông Putin 2 lần trong năm qua. Cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã khiến 2 nhà lãnh đạo bị trừng phạt xích lại gần nhau hơn bao giờ hết. Tổng thống Putin tìm kiếm thêm sự ủng hộ cho cuộc chiến của mình, và nhà lãnh đạo Kim Jong Un muốn củng cố chế độ của mình, bằng các liên minh và sự chú ý.
BBC cho rằng, Mỹ đã nhận thấy sự bất an của Bắc Kinh, và lần này, 2 đối thủ Mỹ – Trung có thể có mục tiêu tương tự nhau.
Trong tuần qua, các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã nêu vấn đề về quân đội Triều Tiên ở Nga, với các nhà ngoại giao Trung Quốc.
BBC phân tích, Chủ tịch Tập Cận Bình đã giữ mối quan hệ gần gũi với Nga, vì ông cần sự giúp đỡ của Tổng thống Putin, để thách thức trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu. Nhưng ông vẫn không ngừng cố gắng hàn gắn mối quan hệ với Mỹ và đồng minh của Mỹ.
BBC cho biết thêm, các chuyên gia tin rằng, ông Tập Cận Bình khó có thể làm bất cứ điều gì quyết liệt, vì Trung Quốc cần một Triều Tiên ổn định. Nếu ông Tập cắt viện trợ, nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng người tị nạn ở biên giới.
Theo ông Foster-Carter, mặc dù Nga đang trả tiền cho đạn pháo và binh lính, nhưng Trung Quốc “thực sự đã giúp Triều Tiên trụ được trong suốt thời gian qua, với hàm răng nghiến chặt”. Ông tự hỏi: “Đến lúc nào Bắc Kinh sẽ quay lưng với Bình Nhưỡng?”
Hoàng Anh – thoibao.de