Không có thời gian chuẩn bị, người dân bị Nghị định 168 đánh úp

Ngày 8/1, RFA Tiếng Việt có bài: “Nghị định 168 có hiệu lực chỉ năm ngày sau khi ban hành: gấp gáp như phục kích người dân”.

Theo đó, RFA cho biết, chỉ vài ngày sau khi ban hành, Nghị định 168 (ban hành vào ngày 26 tháng 12) và Nghị định 176 (ban hành vào ngày 30 tháng 12), có hiệu lực vào ngày 1/1/2025, đã gây bất ngờ cho toàn xã hội.

Với mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông và nâng cao ý thức chấp hành luật pháp, Nghị định 168 với các biện pháp xử phạt nghiêm khắc, bao gồm tăng mức phạt tiền lên cao gấp hàng chục lần và cơ chế trừ điểm giấy phép lái xe.

Còn Nghị định 176 gây chú ý với việc cá nhân, tổ chức báo tin vi phạm giao thông sẽ được thưởng không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tối đa 5.000.000 đồng/ 1 vụ, việc.

Theo RFA, với mức phạt có thể lên đến vài triệu thậm chí hàng chục triệu đồng, đột ngột được đưa ra và có hiệu lực gần như tức thì, đã gây tâm lý bất ổn trong dân chúng.

RFA dẫn lời ông Dũng ở Sài Gòn, cho biết ý kiến:

“Một chủ trương không chỉ là vấn đề 5 ngày, có khi có hiệu lực tức khắc, thì những trường hợp đó chưa chắc người dân đã thắc mắc. Vấn đề ở chỗ với một tính chất như nghị định này, thì mục đích là phải nâng cao nhận thức của người dân, để ngày càng văn minh khi đi trên đường, họ biết tôn trọng luật giao thông… Muốn cái đó thì thời gian phải đủ để người dân tiếp nhận nghị định đó, để chuẩn bị những điều kiện để thực hiện nó.”

RFA cho hay, tổng cộng có 20 Nghị định của Chính phủ Trung ương Việt Nam có hiệu lực vào ngày 1/1/2025. Nhưng chỉ 2 Nghị định 168 và 176 có hiệu lực trong vòng vài ngày sau khi ban hành..

Ngoài ra những Nghị định khác về xe đưa đón học sinh, phí môi trường, nghĩa vụ quân sự… cũng được ban hành trước ngày có hiệu lực từ 45 đến 60 ngày.

Theo Điều 151 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, được sửa đổi bởi khoản 48 Điều 1 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi 2020, thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật không sớm hơn 45 ngày, kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành.

RFA dẫn lời luật sư Đặng Đình Mạnh, giải thích thêm, quy định của Luật ban hành Các Văn Bản Quy Phạm Pháp Luật, được áp dụng cho văn bản của cơ quan trung ương.

“Nghị định số 168/2024/NĐ-CP của Chính Phủ ban hành ngày 26/12/2024, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông là văn bản của cơ quan trung ương. Do đó, thời hạn có hiệu lực pháp luật là 45 ngày kể từ ngày 26/12/2024. Thế nhưng, tại điều 53 của Nghị định này lại quy định thời điểm hiệu lực thi hành vào ngày 01/01/2025, tức sau 5 ngày, là quy định vô pháp, vì vi luật.” – Luật sư Mạnh nhấn mạnh.

Việc Nghị định 168 và 176 có hiệu lực gần như lập tức, đã không cho xã hội đủ thời gian để chuẩn bị, người dân không có cơ hội để điều chỉnh thói quen, cũng như nhà nước không có điều kiện để giải quyết vấn đề liên quan cơ sở hạ tầng.

RFA đặt vấn đề, chưa có sự chuẩn bị thế mà đã đè người dân ra phạt có hợp lý?

RFA dẫn lời Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, cho rằng, việc ra Nghị định 168 và 176 một cách gấp gáp, là một trong những điển hình của những hậu quả không lường trước của các chính sách.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, mục đích, ý muốn đó có thể rất tốt, để làm sao giảm tai nạn giao thông, để làm sao nâng cao kỷ luật giao thông của người tham gia giao thông… Nhưng vì không có sự thảo luận kỹ lưỡng, nó có thể xảy ra những hậu quả chưa được tính trước. Càng thảo luận kỹ lưỡng, thì những hậu quả không lường trước ấy có thể ít đi. Và trong trường hợp Nghị định 168 về phạt vi phạm giao thông này, theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, sẽ để lại những hậu quả không tốt.

 

Hoàng Anh – thoibao.de