Việt Nam xây đường sắt bằng vốn vay Trung Quốc, tham gia vào Sáng kiến Vành đai – Con đường

Ngày 14/2, BBC Tiếng Việt có bài: “Việt Nam vay vốn Trung Quốc xây tuyến đường sắt trị giá 8,3 tỷ USD”.

Theo đó, BBC cho biết, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Việt Nam vừa cho biết Hà Nội có kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt trị giá 8,3 tỷ USD trong đó có nguồn vốn vay từ chính phủ Trung Quốc.

Cụ thể, trong tờ trình xin ý kiến, chủ trương Quốc hội chiều 13/2, Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho biết dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng sẽ đi qua 9 tỉnh, sử dụng ngân sách trung ương, địa phương, nguồn vốn trong nước, vốn vay từ Chính phủ Trung Quốc, và các nguồn hợp pháp khác.

BBC cho biết thêm, Việt Nam đang tìm cách nâng cấp hệ thống đường sắt cũ kỹ của mình, và đã tiếp cận Trung Quốc để xin tài trợ và công nghệ, bao gồm 3 tuyến đường sắt nối thủ đô Hà Nội với Trung Quốc, và một tuyến đường sắt cao tốc từ Hà Nội đến Sài Gòn.

Chủ trương xây dựng các tuyến đường sắt lớn này nằm trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai – Con đường đầy tham vọng của Bắc Kinh, và được thống nhất trong các cuộc gặp giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch Tập Cận Bình, ở Bắc Kinh hồi cuối tháng 8/2024, cũng như giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lý Cường ở Hà Nội hồi giữa tháng 10/2024.

Theo BBC, về tiến độ thực hiện, Chính phủ cho biết dự kiến việc xây dựng tuyến đường sắt sẽ bắt đầu trong năm nay, và hoàn thành vào năm 2030.

Chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào 19/2, ngày cuối cùng của kỳ họp bất thường lần thứ 9 khóa 15.

Theo báo cáo của Chính phủ, trong 5 năm đầu tiên khai thác, doanh thu dự kiến của tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng chỉ đủ bù đắp chi phí vận hành và bảo trì. Nhà nước Việt Nam cần hỗ trợ khoảng 110 triệu USD, cho bảo trì kết cấu hạ tầng trong giai đoạn này.

Trong khi đó, dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam cũng dự kiến lỗ khoảng 778 triệu USD, trong 4 năm khai thác đầu tiên.

Tổng cộng, Nhà nước Việt Nam cần hỗ trợ khoảng 887 triệu USD cho 2 dự án này.

Vẫn theo BBC, việc Việt Nam nối ray với đường sắt Trung Quốc được cho là có ý nghĩa to lớn trong kết nối chiến lược 2 nền kinh tế, kết nối giữa khuôn khổ 2 hành lang, 1 vành đai kinh tế Việt Nam – Trung Quốc với sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Các tuyến đường sắt liền mạch được coi là rất quan trọng cho chuỗi cung ứng, khi ngày càng nhiều nhà sản xuất Trung Quốc chuyển hướng một số hoạt động xuất khẩu sang Việt Nam, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ.

BBC dẫn lời các chuyên gia nhận định, với các tuyến đường sắt trên, Việt Nam có thể kết nối với Trung Á, châu Âu qua Trung Quốc và giúp Trung Quốc kết nối với ASEAN qua Việt Nam, trong đó tỉnh Vân Nam của Trung Quốc sẽ có đường ra biển gần hơn khi đi qua Việt Nam.

BBC cho hay, xét về công nghệ đường sắt, Trung Quốc được đánh giá là một trong những cường quốc trên thế giới.

Và hiện Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất, cũng như thị trường nhập khẩu lớn nhất, và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.

Việt Nam lại thuộc nhóm quốc gia quyền lực tầm trung, khai thác tối đa lợi ích và an ninh trong lúc vẫn cân bằng quan hệ Mỹ – Trung, nhưng vẫn coi trọng giao hảo truyền thống lịch sử với Nga.

Hà Nội trong nhiều năm vẫn lập lờ về việc sử dụng quỹ của Sáng kiến Vành đai – Con đường, chương trình cơ sở hạ tầng chủ chốt của Trung Quốc, sau khi các cuộc biểu tình nổ ra ở Việt Nam vào năm 2018, đối với các kế hoạch có thể dẫn đến mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Trung Quốc.

Tuy nhiên, điều đó không ngăn được sự bùng nổ của dòng vốn đầu tư tư nhân Trung Quốc vào Việt Nam.

Xuân Hưng – thoibao.de