Ông Nguyễn Văn Linh có 2 dấu ấn, có thể được xem là một tốt một xấu. Dấu ấn được cho là tốt, đấy chính là quyết định cải cách kinh tế năm 1986 và ấu ấn được cho là xấu khi chính ông cùng với Đỗ Mười và Phạm Văn Đồng sang Thành Đô – Trung Quốc ký hiệp ước với Giang Trạch Dân và Lý Bằng đưa Việt Nam vào thòng lọng của Trung Quốc cho đến ngày nay.
Trong chính sách cải cách kinh tế 1986, ông Nguyễn Văn Linh có dùng một trí thức thời Việt Nam Cộng Hòa, một quan chức lớn chứ không phải quan chức thường. Tiến sỹ Nguyễn Xuân Oánh từng học tại Đại học Havard-Mỹ, từng là cựu Phó Thủ tướng kiêm Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam và từng giữ quyền Thủ tướng dưới thời Việt Nam Cộng Hòa. Sau năm 1975, vị tiến sĩ này làm Cố vấn kinh tế cho Nguyễn Văn Linh và sau đó là Võ Văn Kiệt.
Được biết, sau khi ông đã tư vấn cải cách, ông đề nghị Nguyễn Văn Linh cần mở cửa chính trị cho người ngoài Đảng tham gia quản lý đất nước nhưng bị từ chối thẳng thừng. Chính vì thế, năm 1999, ông thừa nhận với Reuters rằng, cải cách kinh tế của Việt Nam đã đi vào bế tắc.
Tuy cho đến nay Đảng Cộng Sản Việt Nam ca tụng sự cải cách của Nguyễn Văn Linh như thành tích “vĩ đại”. Thế nhưng, thực chất, đấy chẳng phải là cải cách gì, đấy là sửa sai nhưng lại sửa một cách nửa vời. Cho nên suốt 40 năm qua, Việt Nam chỉ giải quyết bài toán “xóa đói giảm nghèo” chứ không thể giúp Việt Nam vươn mình. Cải cách kinh tế nửa vời như Nguyễn Văn Linh chỉ đạt đến thành tựu như thế, không thể hơn được. Điều này đã được 3 nhà kinh tế học đoạt giải Nobel kinh tế năm 2024 khẳng định rằng “sự thịnh vượng của đất nước liên quan đến thể chế chính trị”.
Hiện nay Tô Lâm đang cho ra đời 4 Nghị Quyết nhằm giúp Việt Nam “cất cánh”. 4 Nghị quyết này đang được báo chí ca tụng lên tận mây xanh. Thế nhưng, với việc tiếp tục cải cách thể chế pháp luật một cách nửa vời, thì không khó để nhìn thấy đây là một chính sách thất bại trong tương lai. Việt Nam cần cải cách thể chế chính trị, cần mở cửa cho đảng phái khác tham gia cạnh tranh chính trị, cho dân có quyền chọn người thích hợp thì từ đó mới tạo ra động lực để người cộng sản tự hoàn thiện bản thân.
Chắc chắn Tô Lâm không thể thực hiện cải cách theo hướng mà tiến sỹ Nguyễn Xuân Oánh đã đề xuất mà Tô Lâm vẫn theo ý của Nguyễn Văn Linh. Tức cải cách những vấn đề nhỏ lẻ, không cải cách thể chế chính trị.
Như vậy, Tô Lâm đang phải gỡ nút thắt của Nguyễn Văn Linh. Không thay đổi thể chế chính trị, xem như Tô Lâm vẫn thắt thêm cho rối chứ không gỡ. Với những cải cách nhỏ lẻ, nửa vời như hiện nay, Tô Lâm chỉ tạo ra sự rối loạn xã hội chứ chẳng thể giúp cho Việt Nam “vươn mình” như ông hô hào.
Nút thắt thứ nhì mà Nguyễn Văn Linh tạo ra, đấy chính là Mật Nghị Thành Đô. Hiện nay Tô Lâm vẫn phải thực hiện nhiệm vụ “bề tôi” trước Thiên Triều. Khi bắt đầu một nhiệm kỳ mới, Tô Lâm sẽ phải sang Bắc Kinh “triều kiến” mới mong yên ổn ngồi ngai. Vì Mật Nghị Thành Đô, Tô Lâm không thể giúp Việt Nam thoát Trung thành công.
Để cho đất nước vươn mình, Việt Nam cần phải thực hiện 2 cú thoát lớn, thứ nhất là thoát cộng, thứ nhì là thoát Trung. Thực chất thoát cộng không phải là lật đổ Cộng Sản mà chỉ cần xóa bỏ chế độ độc đảng, chấp nhận một thể chế mới đa đảng cạnh tranh sòng phẳng. Trong kinh tế có cạnh tranh lành mạnh thì khách hàng mới hưởng lợi, trong chính trị cũng thế, nếu có cạnh tranh lành mạnh thì nhân dân và đất nước hưởng lợi. Đó là quy luật tất yếu không thể thay đổi được.
Việc thoát Trung xem ra là bài toán bất khả thi đối với Tô Lâm. Ngay trong Đảng, thành phần thân Tàu rất đông, và chính bàn tay Tập Cận Bình cũng rất đáng sợ đối với hàng loạt quan chức trung ương. Cả Nguyễn Bá Thanh, Trần Đại Quang và Lê Văn Thành đều gặp nạn khi đi Trung Quốc về.
Thái Hà -Thoibao.de