CƠ CHẾ “CHỈ ĐỊNH” LÃNH ĐẠO LÀ GỐC RỄ CỦA MỌI SUY THOÁI VÀ BẤT CÔNG.

Vì không phải tranh cử công khai, lãnh đạo của thể chế csVN không cần trình bày chương trình hành động hay chịu trách nhiệm trước nhân dân. Cũng vì thế nên thiếu minh bạch và tệ nạn mua bán quyền lực rất dễ xảy ra. Khi quyền lực không đến từ lá phiếu mà đến từ “quan hệ” hoặc “chạy ghế”, thì tiền bạc và phe phái trở thành phương tiện để thăng tiến. Từ đó đa phần cán bộ lãnh đạo từ thấp đến cao đều thiếu năng lực, thiếu chính danh: Một lãnh đạo không cần dân ủng hộ để lên chức thì cũng không cần quan tâm nhiều đến năng lực thực tế hay lòng tin của người dân. 

Ở Việt Nam, Đảng Cộng sản là lực lượng lãnh đạo duy nhất và toàn diện, được ghi rõ trong Điều 4 Hiến pháp 2013. Mọi hoạt động của bộ máy nhà nước, chính quyền địa phương, công an, quân đội, tòa án, quốc hội… đều phải chịu sự chỉ đạo của Đảng. Như vậy, “Đảng cử – dân bầu” chỉ là hình thức, còn thực chất là “Đảng quyết định tất cả”. Việc hiểu rõ cơ chế vận hành quyền lực ở Việt Nam sẽ giúp lý giải vì sao nhiều vấn đề như tham nhũng, bất công, và kém hiệu quả trong quản trị lại trở nên phổ biến và khó xử lý triệt để.

Khi CSVN áp dụng nguyên tắc tập trung dân chủ, thì cấp dưới phải tuyệt đối phục tùng cấp trên, mọi quyết định quan trọng đều phải chờ “chỉ đạo”. Nội bộ Đảng có thể tranh luận, nhưng khi đã có kết luận thì phải tuân thủ tuyệt đối. Tổng Bí thư là người đứng đầu ĐCSVN, có quyền lực cao nhất trong hệ thống chính trị. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Trung ương Đảng là các cơ quan nắm quyền quyết định chiến lược và nhân sự. Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước, Tòa án… về lý thuyết là các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, nhưng đều nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ở cấp tỉnh/huyện/xã, các vị trí như Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND… đều do Đảng phân công, sắp xếp, chứ không phải do dân bầu thực chất.

Mỗi cán bộ Đảng đều nằm trong “quy hoạch cán bộ”, được lên danh sách và theo dõi từ sớm. Ai không nằm trong quy hoạch thì gần như không thể thăng tiến. Ngoài năng lực, cán bộ phải có lý lịch “sạch” (con cháu cán bộ, đảng viên tốt, không có tư tưởng “lệch lạc”). Quan hệ, phe nhóm, sự trung thành với cấp trên… đóng vai trò then chốt. Khi chức vụ không do dân quyết định, mà do “cửa sau” hoặc “xin-cho”, thì sẽ sinh ra hiện tượng “chạy chức” bằng tiền hoặc phe nhóm. Điều này lý giải vì sao một số cán bộ kém năng lực vẫn được bổ nhiệm, trong khi người giỏi lại bị gạt ra.

Vì cán bộ lãnh đạo không do dân bầu, nên không chịu trách nhiệm trước dân. Hệ quả là thiếu dân chủ, thiếu minh bạch và dễ dẫn tới lạm quyền, quan liêu. Hệ thống khép kín khiến việc đưa người mới, ý tưởng mới vào guồng máy gặp khó khăn. Bất kỳ ai có tư tưởng cải cách mạnh đều dễ bị gạt ra hoặc bị “kiểm điểm”.

Một nền dân chủ thực sự đòi hỏi CSVN cần phải thay đổi thể chế độc tài và thay đổi thực chất, phải tổ chức bầu cử thực sự tự do, công bằng và minh bạch: Dân được chọn người lãnh đạo, giám sát họ và bãi miễn khi cần thiết. Phải minh bạch hóa thông tin chính trị và tài sản quan chức. Xây dựng hệ thống pháp luật độc lập và mạnh mẽ để kiểm soát quyền lực.

Thanh Nam